25/12/2024

Tại dịp cận Tết, hệ thống các ngân hàng thương mại đang tập trung đáp ứng mùa thanh toán và chi trả nên thị trường trái phiếu Chính phủ trở nên trầm lắng. Tuy nhiên, khi thanh khoản ngân hàng dồi dào trở lại, trái phiếu Chính phủ vẫn “ế”.

Một tuần trước kỳ nghỉ Tết Âm lịch (từ 1/2 đến 5/2), Kho bạc Nhà nước chỉ huy động được vỏn vẹn 80 tỷ đồng trên tổng số 6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu, tức tỷ lệ trúng thầu chỉ 1,3%.

Trước đó, trong tuần từ 25/1 đến 29/1, sức hấp thụ của thị trường cũng đã có dấu hiệu không tốt khi Kho bạc Nhà nước chào thầu 1.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ nhưng cũng chỉ huy động thành công 7.496 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ trúng thầu 75%.

Song song với việc “ế” trái phiếu Chính phủ, thanh khoản hệ thống ngân hàng bắt đầu gặp khó trong mùa cao điểm. Ghi nhận trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất qua đêm VND sau hơn 7 tháng duy trì ở vùng 0,1-0,2%/năm đã bật tăng và vượt qua mốc 2%/năm.

Thậm chí, Ngân hàng Nhà nước cũng phải liên tục bơm ròng để hỗ trợ thanh khoản hệ thống. Khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố (OMO) thời điểm đó lên tới 36.096,7 tỷ đồng.

Với diễn biến trên, giới chuyên môn đều kỳ vọng thị trường sẽ sôi động trở lại khi mùa cao điểm của hệ thống ngân hàng qua đi.

Tuy nhiên, khi thanh khoản ngân hàng dồi dào trở lại, Ngân hàng Nhà nước đã phải hút ròng toàn bộ khoản tiền hỗ trợ, lãi suất qua đêm VND ngày 24/2 giảm xuống mức 0,40%/năm nhưng thị trường trường trái phiếu Chính phủ vẫn “ế”.

Cụ thể, ngày 24/2, Kho bạc Nhà nước chỉ huy động thành công 635/6.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ gọi thầu. Trong đó, kỳ hạn 5 năm huy động được toàn bộ 500 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm huy động được 135/500 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm và 15 năm đấu thầu thất bại. Lãi suất trúng thầu kỳ hạn 5 năm tại 1,03%/năm (giảm 0,04 điểm phần trăm); kỳ hạn 30 năm giữ nguyên tại 3,01%/năm.

Cũng trong phiên giao dịch trên, lợi suất trái phiếu Chính phủ thị trường thứ cấp giảm ở các kỳ hạn 5 năm và 10 năm. Giao dịch tại 3 năm 0,59%; 5 năm 1,05%; 7 năm 1,39%; 10 năm 2,27%; 15 năm 2,47%.