27/12/2024

Được biết đến với những thiết kế tươi sáng, lấy cảm hứng từ rừng rậm và cách sử dụng màu sắc chiết trung, Kenzo Takada là nhà thiết kế Nhật Bản đầu tiên nổi bật trong làng thời trang Paris.

Ông định cư ở Pháp vào những năm 1960 và dành phần còn lại của sự nghiệp ở đó.

“Với gần 8.000 thiết kế của mình, Kenzo Takada không ngừng tôn vinh thời trang và nghệ thuật sống”, người phát ngôn của ông cho biết.

Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, đã bày tỏ sự kính trọng dành cho ông trên Twitter: “Một nhà thiết kế tài năng vô cùng. Ông ấy đã mang lại vị trí cho màu sắc và ánh sáng trong thời trang. Paris đang tiếc thương một trong những người con của mình”.

“Tôi là một ‘fan’ của thương hiệu này vào những năm 1970. Tôi nghĩ ông ấy là một nhà thiết kế tuyệt vời”, trang tin thời trang WWD.com dẫn lời Sidney Toledano, CEO của tập đoàn xa xỉ LVMH, nơi đang sở hữu thương hiệu Kenzo.

Nhiều người dùng Twitter Nhật Bản đã gửi lời chia buồn của họ trên mạng xã hội này, một số chia sẻ rằng sản phẩm xa xỉ đầu tiên của họ là từ Kenzo.

“Chiếc ví đầu tiên mà tôi sở hữu là của Kenzo. Dù đó chỉ là một món hàng nhỏ nhưng tôi sẽ luôn ghi nhớ. Chúc ông yên nghỉ”, một người dùng Twitter viết.

“Tôi có một bộ trang phục Kenzo do mẹ để lại, hiện tôi vẫn mặc nó”, một người khác nói.

Nhiều người khác cho biết họ sở hữu khăn tay Kenzo – một phụ kiện vẫn còn phổ biến ở Nhật Bản.

‘Đi trước thời đại’

Sinh năm 1939 tại Himeji, gần thành phố Osaka, Kenzo Takada quyết định đến Paris bằng tàu biển vào năm 1965, dù hầu như không nói được tiếng Pháp.

Ban đầu, ông bán những bản phác thảo cho các hãng thời trang nhưng sau đó quyết định tự mình phát triển chúng, với một cửa hàng nhỏ tên là Jungle Jap.

“Tôi tự trang trí cửa hàng với số tiền ít ỏi. Một trong những bức tranh đầu tiên tôi nhìn thấy ở Paris và say mê là bức tranh về rừng, và đó là nguồn cảm hứng cho cửa hiệu của tôi”, Takada nói với tờ South China Morning Post (SCMP) gần đây trong một cuộc phỏng vấn truyền thông cuối cùng của ông.

Trang phục của ông bị ảnh hưởng nhiều bởi các thiết kế của Nhật Bản. Takada cho biết ông không muốn “làm những gì các nhà thiết kế Pháp đang làm”.

“Quê hương Nhật Bản vẫn là nguồn cảm hứng cho mọi bộ sưu tập mà ông thực hiện. Ông ấy luôn sử dụng những màu sắc rực rỡ với khối lượng lớn”, Circe Henestrosa, người đứng đầu trường thời trang tại Đại học Nghệ thuật Lasalle của Singapore, cho biết.

“Tôi nghĩ ông ấy đã đi trước thời đại và là một trong những nhà thiết kế đầu tiên thử nghiệm ý tưởng thời trang phi giới tính. Ông ấy sẽ không bao giờ tuân theo những ý tưởng rập khuôn về thời trang nam tính và nữ tính”, bà Henestrosa nói thêm.

Cuối cùng, “cú đột phá lớn” của Takada cũng đến khi tạp chí thời trang Elle đưa một trong những thiết kế của ông lên trang bìa của họ, vào thời điểm các biên tập viên của những tạp chí thời trang quốc tế tham dự buổi trình diễn thời trang của ông vào năm 1971.

Cái tên gây tranh cãi

Ban đầu đã có tranh cãi về cái tên, khi Takada tự gọi mình và thương hiệu của ông là “Jap” – một thuật ngữ mà một số người ở Mỹ cảm thấy khó chịu, và ông cũng đã phát hiện ra điều đó khi bắt đầu tiếp cận thị trường Mỹ.

“Tôi biết nó mang một ý nghĩa miệt thị, nhưng tôi nghĩ nếu tôi làm điều gì đó tốt, tôi sẽ thay đổi ý nghĩa đó”, ông nói với New York Times trong một cuộc phỏng vấn năm 1972.

Takada đã đặt tên lại thương hiệu bằng chính tên của mình – và thế là thương hiệu Kenzo ra đời.

Nó phát triển mạnh mẽ và trở thành một nhãn hiệu thời trang nổi tiếng trên toàn thế giới. Kenzo bổ sung thêm dòng quần áo nam vào năm 1983 và sau đó là hai dòng quần áo thể thao bình dân hơn là Kenzo Jeans và Kenzo Jungle. Nước hoa và kính mắt Kenzo cũng được ra mắt không lâu sau đó.

Và vào thời điểm thương hiệu này đạt đỉnh thành công ở những năm 1990, Takada quyết định bán nó cho LVMH.

“Năm khó khăn nhất trong cuộc đời tôi là 1990, khi người bạn đời của tôi, Xavier qua đời và đối tác kinh doanh của tôi bị đột quỵ. Đó là lý do tại sao tôi bán công ty cho LVMH (vào năm 1993). Tôi cảm thấy không thể quản lý nó một mình”, ông nói với SCMP.

Ông ở lại công ty này vài năm và từ giã thời trang vào năm 1999 ở tuổi 60.

Nhưng ngay cả khi về hưu, ông vẫn tích cực sáng tạo, khi tham gia thiết kế trang phục cho các vở opera và vẽ tranh.

“Đáng lẽ ông ấy chỉ ở Paris trong hai năm nhưng đã dành phần đời còn lại của mình ở đó”, bà Henestrosa cho biết.

“Như nhà báo thời trang Suzy Menkes đã nói, ‘ông ấy muốn tạo ra những bộ trang phục hạnh phúc’. Công việc của ông ấy mang tính tiên phong. Thật buồn khi những bộ óc sáng tạo như Kenzo rời bỏ thế giới này”.