Thay vì thực hiện trên nhiều hệ thống khác nhau, MB cùng ngân hàng Bangkok, Thái Lan đã tiên phong ứng dụng thành công công nghệ Blockchain, cho phép thực hiện được trọn vẹn toàn bộ quy trình nghiệp vụ thư tín dụng chứng từ, từ khâu phát hành đến khâu xuất trình chứng từ theo L/C trên cùng một mạng lưới CONTOUR. Các bên liên quan, bao gồm: nhà xuất khẩu, nhà nhập khẩu, ngân hàng phát hành và ngân hàng thông báo/xuất trình chứng từ đều tham gia xử lý trên cùng một mạng lưới.
Sự khác biệt lớn nhất so với cách xử lý truyền thống của Thư tín dụng chứng từ chính là việc các bên được phép tham gia cập nhật tức thời trạng thái giao dịch. Điều này không chỉ đảm bảo tính toàn vẹn, minh bạch thông tin giữa các bên liên quan, mà còn cải thiện rõ rệt thời gian xử lý và tiết kiệm chi phí cho toàn bộ chu trình. Đây có thể nói là bước ngoặt trong việc thực hiện một dịch vụ quan trọng bậc nhất trong lĩnh vực tài chính thương mại.
Công nghệ Blockchain ngày càng khẳng định là một “điểm sáng” nhằm thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững của thương mại toàn cầu. Ông Vũ Hồng Phú – Thành viên Ban điều hành MB cho biết: “Việc ứng dụng Blockchain trong giao dịch thư tín dụng nhập khẩu tại Việt Nam một lần nữa khẳng định khát vọng vươn tầm châu lục của MB, đưa hình ảnh của MB – một ngân hàng trẻ trung, hiện đại, chuyển đổi số mạnh mẽ đến gần hơn với thế giới.”
Là doanh nghiệp tiên phong của Việt Nam trong ứng dụng Blockchain, ông Đinh Đức Thắng- Chủ tịch Công ty Cổ phần Nhựa Opec (Opec Plastics) chia sẻ: “Nhờ những tác động tích cực, công nghệ blockchain đã và đang được triển khai mạnh mẽ tại nhiều lĩnh vực để thúc đẩy phát triển thương mại toàn cầu. Chính vì vậy, với những giá trị cốt lõi “Trí tuệ – Chính trực – Tận hiến – Quốc tế”, Opec Plastics đánh giá cao sự chủ động, đón đầu xu hướng của lãnh đạo và đội ngũ cán bộ MB cũng như hết sức ủng hộ tính minh bạch trong các giao dịch quốc tế thông qua việc đồng hành cùng các tổ chức tài chính nói chung, với MB nói riêng trong việc triển khai và nhân rộng các giải pháp ứng dụng công nghệ blockchain trong thời gian sắp tới”.
“Sự thay đổi rõ rệt nhất chính là về mặt thời gian” là lời chia sẻ của ông Võ Xuân Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa nhựa Sài Gòn (Saigon Plastic Chemical Joint Stock Company), một trong hai doanh nghiệp nhập khẩu được trực tiếp trải nghiệm những lợi ích nổi bật của công nghệ Blockchain. “Nếu như trước kia, chúng tôi mất thời gian tính bằng ngày để hoàn thành từng khâu thì bây giờ mỗi chu trình được thực hiện vỏn vẹn trong vòng chưa đầy một giờ đồng hồ, giúp chúng tôi tối ưu đươc quy trình nhập khẩu hàng hóa, tiết kiệm chi phí. Bên cạnh đó, các bên đều chia sẻ trách nhiệm như nhau và mọi hoạt động làm việc đều được minh bạch trên mạng lưới.” – ông Hường nhấn mạnh.
Được biết đến là ngân hàng luôn hướng đến trải nghiệm hoàn hảo cho khách hàng, MB đã tập trung ứng dụng công nghệ mới trong dịch vụ thanh toán quốc tế. Dịch vụ chuyển tiền quốc tế online của nhà băng này được áp dụng từ tháng 08/2020. Với hoạt động chuyển tiền quốc tế được công nhận đạt chuẩn Swift GPI từ năm 2019, khách hàng khi sử dụng dịch vụ này qua MB được cập nhật trạng thái xử lý thành công giao dịch theo thời gian thực. Đến 90% giao dịch được ghi có ngay trong ngày. Với một số thị trường như Mỹ, phần lớn các giao dịch được ghi có trong vòng một giờ..
Thành công bước đầu của việc thực hiện trọn vòng đời giao dịch L/C ứng dụng công nghệ Blockchain thể hiện nỗ lực của MB trong ứng dụng công nghệ mới nhằm cung cấp các dịch vụ thanh toán quốc tế và tài trợ thương mại đến khách hàng trong bối cảnh ngành ngân hàng đang có những bước tiến mạnh mẽ chuyển đổi số.