26/12/2024

Năm nay, cảnh báo màu đỏ đầu tiên về lũ lụt trên sông Dương Tử (Trường Giang) xuất hiện ở khu vực hồ Bà Dương, thuộc tỉnh Giang Tây.

Cục Thủy lợi Ủy ban Thủy lợi Trường Giang, thuộc Bộ Thủy lợi Trung Quốc, ngày 10/7 đã nâng cảnh báo lũ màu đỏ đối với khu vực hồ Bà Dương và các sông ngòi lân cận. Đây là mức cảnh báo hồng thủy (lũ) cao nhất của Trung Quốc. Cảnh báo đỏ tiếp tục được công bố một ngày sau đó.

01.

Cảnh báo đại hồng thủy trên toàn lưu vực Trường Giang

Bà Dương là hồ nước ngọt lớn nhất ở Trung Quốc, đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nước lũ ở lưu vực sông Dương Tử.

Nước từ 5 nhánh sông lớn ở lưu vực hồ Bà Dương đổ về hồ này, từ đó đổ ra Trường Giang sau khi được điều tiết lưu lượng. Trong giai đoạn Trường Giang đón “Hồng thủy Số 1” thời gian qua, nước lũ từ sông này còn đổ ngược vào hồ Bà Dương, nhờ đó giúp giảm nhẹ sức ép xả lũ ở thượng nguồn con sông dài nhất Trung Quốc.

Trường hợp nước lũ Trường Giang đổ ngược vào hồ Bà Dương xảy ra lần đầu tiên trong năm nay vào hôm 7/7 vừa qua, khiến mực nước hồ dâng cao đáng kể. Đến 17h ngày 11/7, mưa lớn, nước lũ,… khiến hơn 5.21 triệu người ở lưu vực hồ bị ảnh hưởng, 430.000 người được sơ tán khẩn cấp, 4.55 triệu km2 diện tích canh tác bị thiệt hại. 

Phân tích trên tuần san China Newsweek – do Quốc vụ viện Trung Quốc quản lý, nhà nghiên cứu Châu Kiến Quân, thuộc Sở nghiên cứu sinh thái sông, Học viện kỹ thuật xây dựng thủy lợi, Đại học Thanh Hoa, nói rằng hiện tượng nước lũ Trường Giang đổ ngược vào hồ Bà Dương là bình thường và tình hình hiện nay so với các năm trước thì chưa có gì nghiêm trọng, mực nước ở trạm Hồ Khẩu vẫn chưa vượt qua mức bảo đảm, trong khi tình hình lưu lượng nước tại hồ đã có chiều hướng giảm.

“Điều này cho thấy không gian [để xả lũ] ở hạ lưu Trường Giang vẫn còn. Các địa phương như An Huy, thành phố Nam Kinh của tỉnh Giang Tô,… hiện không có vấn đề lớn,” ông Châu nói.

Tuy nhiên, ông cảnh báo kịch bản đáng lo lúc này là mưa lớn bất ngờ ở vùng thượng lưu Trường Giang. Tình hình có thể nghiêm trọng nếu siêu đập Tam Hiệp không thể ngăn lũ thành công, khiến nước lũ ở thượng và hạ nguồn Trường Giang hợp nhất.

Dự báo khí tượng ở Trung Quốc cho hay, trong giai đoạn 13-16/7, phạm vi mưa lớn sau một thời gian ngắn dịch chuyển về phía bắc thì đã trở lại các vùng phía nam, hoành hành ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, trong khi lưu vực hồ Bà Dương tiếp tục đối mặt nguy cơ mưa lớn.

Ông Châu phân tích, nếu lũ ở thượng và hạ nguồn Trường Giang không xảy ra trùng nhau thì tình huống sẽ không quá nghiêm trọng. Lòng sông này có thể đón nhận lưu lượng nước thông qua lên đến 80.000 m3/s, cho phép an toàn xả lũ từ hồ Bà Dương.

Ông Trình Hiểu Đào – ủy viên Ủy ban chuyên gia giảm nhẹ thiên tai quốc gia (Trung Quốc), nguyên giám đốc Sở nghiên cứu phòng chống lũ lụt và giảm nhẹ thiên tai, thuộc Viện nghiên cứu khoa học thủy điện thủy lợi Trung Quốc – nói với China Newsweek, đại hồng thủy (lũ lớn) ở lưu vực Trường Giang thông thường có hai dạng: “Đại hồng thủy hạ”, tức mưa lớn chủ yếu phân bố ở trung và hạ lưu sông Dương Tử, thường xảy ra vào tháng 6; và “Đại hồng thủy thượng”, chủ yếu xảy ra vào tháng 7 và tháng 8 tại các địa phương ở thượng nguồn như Tứ Xuyên, Trùng Khánh.

Trong nạn lũ lịch sử năm 1998, Đại hồng thủy hạ xảy ra muộn vào tháng 7 và “gặp nhau” với Đại hồng thủy thượng, gây ra lũ lụt nghiêm trọng trên toàn bộ lưu vực sông Dương Tử.

“Đỉnh lũ trong nạn lũ năm 1998 không quá lớn, nhưng là đỉnh lũ này nối tiếp đỉnh lũ khác, liên tục 8 trận lũ,” ông Trình lý giải.

Ông Châu Kiến Quân cho biết nửa cuối tháng 7 là giai đoạn then chốt, có khả năng chứng kiến kịch bản năm 1998 lặp lại. Hiện nay lũ lụt chủ yếu tập trung ở phía nam sông Dương Tử, tại các vùng trung và hạ lưu sông; đến đầu táng 8 mưa lũ sẽ chuyển dịch về phía bắc và thượng nguồn sông.

Theo ông Châu, tình hình lũ lụt ở thượng nguồn Trường Giang nhiều khả năng sẽ nghiêm trọng hơn và cần nhà chức trách cấp bách tiến hành các biện pháp ổn định.