Thứ nhất, do tốc độ đô thị hóa, gia tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người dân tăng mạnh. Trong khi đó, công tác lập, rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa kịp với tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Người dân có nhu cầu nhà ở nhưng không có khả năng mua nhà hợp pháp dẫn đến phát sinh tình trạng mua, bán đất nông nghiệp, phân lô trái phép, xây dựng không phép trên đất nông nghiệp.
Thứ hai, lợi nhuận từ việc mua bán đất nông nghiệp, phân lô bán nền trên địa bàn Tp.HCM rất lớn. Đã xuất hiện đầu nậu, môi giới tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép, sau đó xây dựng nhà ở không phép trên đất nông nghiệp để kinh doanh. Điều này dẫn đến tình hình xây dựng trên địa bàn một số quận ven, huyện ngoại thành diễn biến phức tạp.
Thứ ba, việc triển khai thực hiện quy hoạch đối với các dự án hạ tầng kỹ thuật, công trình công cộng, phúc lợi xã hội diễn ra chậm dẫn đến người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất, không được xây dựng như: quy hoạch công viên cây xanh, quy hoạch khu trung tâm hành chính, quy hoạch công trình giáo dục, y tế…
Thứ tư, một số trường hợp, chủ đầu tư lợi dụng việc cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ có diện tích lớn để biến tướng thành nhà kho, nhà xưởng hoặc phân chia thành nhiều căn hình thành “chung cư mini” để bán, cho thuê, gây khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về trật tự xây dựng.
Thứ năm, giải pháp hiệu quả để ngăn chặn chủ đầu tư tiếp tục thi công công trình vi phạm trật tự xây dựng là giải pháp ngưng cung cấp dịch vụ điện, nước nhưng hiện nay chưa có cơ sở pháp lý để đề nghị đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước và UBND các quận huyện, Thành phố Thủ Đức áp dụng thực hiện.
Thứ sáu, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác quản lý trật tự xây dựng chưa đầy đủ, chưa phù hợp với thực tế địa bàn TP nên khi thực hiện còn gặp nhiều khó khăn… Còn tình trạng cán bộ, công chức vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ quản lý đất đai, trật tự xây dựng.
Thứ bảy, chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất về kết quả thực hiện Chỉ thị 23 của một số Sở, ban, ngành TP và UBND quận, huyện chưa thực hiện thống nhất, đồng đều, chưa đảm bảo thời gian thực hiện chỉ đạo dẫn đến công tác tổng hợp, báo cáo còn gặp khó khăn.
Theo Sở Xây dựng Tp.HCM, sau 1 năm triển khai đồng bộ Chỉ thị 23 và kế hoạch số 3333/KH-UBND trên toàn TP và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị TP, tình hình quản lý trật tự xây dựng có nhiều diễn biến tích cực, bình quân số vụ vi phạm trên 1 ngày đều giảm.
Cụ thể, sau hơn 1 năm triển khai thực hiện (15/7/2019 – 15/12/2020) tổng số vụ công trình vi phạm là 1.568 công trình, bình quân 3 vụ/ngày, giảm 5,5 vụ/ngày (tỷ lệ giảm 64,7% so với bình quân số vụ trước thời điểm ban hành). Nếu tính riêng trong năm 2020, tổng số công trình vi phạm là 793 công trình, bình quân 2,1 vụ/ngày, giảm 6,4 vụ/ngày (tỷ lệ giảm 75,3% so với bình quân số vụ vi phạm).
Tuy nhiên, tình trạng xây dựng trên đất nông nghiệp, đất không phù hợp với quy hoạch được duyệt, vi phạm các quy định liên quan đến lĩnh vực đất đai ở huyện ngoại thành vẫn còn phức tạp, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm các công trình còn chưa dứt điểm, kéo dài dẫn đến các công trình hoàn thành, mua bán, chuyển nhượng, gây khó khăn trong công tác xử lý vi phạm hành chính. Đồng thời, công tác quản lý, thực hiện quy hoạch còn hạn chế; việc lập, phê duyệt phương án và tổ chức cưỡng chế công trình vi phạm còn chậm, phát sinh nhiều vướng mắc.