25/12/2024

LTS: Mới đây trên The Jakarta Post có đăng bài viết của ông James Cheo, Giám đốc Khối Đầu tư thị trường Đông Nam Á Ngân hàng HSBC về góc nhìn đầu tư trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay, chúng tôi xin đăng tải lại bài viết để độc giả cùng theo dõi.

—–

Nỗi sợ bỏ lỡ cơ hội, hoặc thua lỗ

Thị trường chứng khoán ghi nhận đà tăng trưởng mạnh trong năm 2019 và xu hướng này vẫn tiếp tục vào đầu năm 2020, nhưng hiện đang đối mặt với nhiều thách thức do những biến động trong những tuần gần đây bởi tác động của dịch Covid-19 trên khắp toàn cầu.

Ở những thị trường đang chưa rõ là tăng trưởng hay suy thoái, các nhà đầu tư đang phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa. Nếu chọn đứng ngoài cuộc quan sát, họ sợ bỏ lỡ cơ hội khi phiên phục hồi xảy ra, hoặc nếu ráo riết bán tháo, họ có thể thua lỗ khi thị trường đảo chiều.

Thủ môn, nhà đầu tư và sự bất ổn

Trong tình huống như vậy, giới đầu tư có thể học hỏi từ bóng đá, đặc biệt là sự thiên lệch hành vi của thủ môn trước một cú sút phạt đền.

Khi đối mặt với một tình huống không rõ ràng, có điểm gì chung giữa một thủ môn chuyên nghiệp phải xử lý một cú đá phạt và một nhà đầu tư?

Trong một cú đá phạt đền, cầu thủ sút bóng đứng cách khung thành 11 mét, đối diện với thủ môn của đội bị phạt, người phải giữ vị trí ở trên vạch vôi cho tới khi trái bóng được đá. Với tốc độ bóng đạt gần 100 dặm/giờ, rất khó cho các thủ thành để cản phá quả phạt đền, và hầu hết trường hợp đá phạt đều thành công.

Do đó, thủ môn phải quyết định trước về việc nên đổ người sang trái hay phải, hay vẫn giữ vị trí trung tâm.

Điều này tạo ra một ví dụ thú vị về việc ra quyết định trong tình huống lưỡng lự và dưới áp lực căng thẳng về mặt cảm xúc, áp dụng cho cả thủ môn và nhà đầu tư.

Tổn thất do “thiên lệch hành động” hay “phản ứng thái quá” đối với thủ môn và nhà đầu tư

Theo nghiên cứu của Michael Bari-Eli tại trường đại học Ben Gurion ở Negev, Israel về “Action Bias Among Elite Soccer Goalkeepers The Case of Penalty Kicks,” phân tích 286 cú đá phạt đền cho thấy, có tới 94% thực tế là các thủ môn đã chọn đổ người sang trái hoặc phải, nhưng ngay cả khi đã đoán đúng hướng đá, họ chỉ có thể ngăn chặn từ 25 đến 30% các cú sút. Tuy nhiên, khi thủ môn không làm gì hoặc đứng yên ở vị trí trung tâm, họ đã cản phá khoảng 60% những cú đá vào trung tâm.

Suy nghĩ kỹ hơn về phương pháp này, giữ ở vị trí trung tâm có thể ngăn chặn 33% tổng số cú đá, trong khi chọn nhảy sang trái hoặc phải chỉ ngăn được một nửa của con số trên. Nếu tỷ lệ cho thấy đứng yên tốt hơn là di chuyển sang trái hoặc phải, tại sao các thủ môn vẫn chọn nhảy qua một phía gần như mọi lúc?

Vấn đề là con người có một khuynh hướng “thiên lệch hành động”, điều này có nghĩa là trong giai đoạn căng thẳng cảm xúc và trong tình huống bất ổn, chúng ta thà “làm gì đó” còn hơn là ngồi không, hoặc không làm gì là lựa chọn tốt hơn.

Có một nhu cầu về hành vi đối với việc cần hành động càng thái quá càng tốt. Ngay cả khi phải nhận một bàn thua, thủ môn vẫn sẽ cảm thấy tốt hơn nếu anh ta đã nhảy về một phía.

Các nhà đầu tư cũng tương tự.

Nếu một nhà đầu tư có danh mục đầu tư đa dạng, phương thức hành động tốt nhất là duy trì đầu tư và không làm gì cả.

Khi sự bất ổn và cảm xúc lấn chiếm, các nhà đầu tư thường có xu hướng phản ứng và giao dịch thái quá, kể cả mua vào khi giá tăng dù phải thêm rủi ro quá mức hoặc bán ra ở mức thấp khi thị trường đảo chiều.

Điều đó cho thấy tuy kịch bản kinh tế cốt lõi của chúng ta hoạt động chậm hơn dự kiến, nhưng tăng trưởng kinh tế tích cực (tức là không suy thoái) vẫn còn. Tăng trưởng kinh tế Trung Quốc sẽ giảm tốc trong quý 1 và quý 2, nhưng sau đó sẽ phục hồi trong nửa cuối năm do chính sách kích thích kinh tế chủ động, hoạt động mua bán cổ phiếu phục hồi và nhu cầu bị dồn nén.

Kịch bản rủi ro là sự gián đoạn chuỗi cung ứng kéo dài lâu hơn dự kiến và virus corona lan rộng ra các khu vực khác. Chi phí cho rủi ro cao hơn trên thị trường cũng có thể dẫn tới thắt chặt các điều kiện tài chính, dù cho kích thích tài khóa và tiền tệ có khả năng cân bằng một số rủi ro này.