Ai sử dụng điện thoại di động đều biết rằng sau khoảng 1 năm thì pin sẽ bắt đầu chai và cần phải sạc nhiều hơn. Đó là 1 sự phiền toái, nhưng bạn có thể dễ dàng thay pin cho điện thoại với giá khá rẻ, hoặc bán lại để mua 1 chiếc điện thoại khác mẫu mới nhất.
Tuy nhiên xe điện không đơn giản như vậy. Số tiền đầu tư lớn hơn nhiều, và pin cũng là bộ phận đắt đỏ nhất (chiếm khoảng 30% giá trị chiếc xe). Ngoài nguy cơ xe chết máy giữa đường, pin bị chai cũng sẽ nhanh chóng làm giảm giá trị chiếc xe nếu bạn muốn bán lại.
Để làm người mua yên tâm, các nhà sản xuất xe điện thường có chính sách bảo hành pin. Thời gian thường là 8 năm hoặc khoảng 200.000 km. Nhưng họ đang có kế hoạch nâng con số lên gấp nhiều lần. Zeng Yuqun, ông chủ của Contemporary Amperex Technology, tập đoàn khổng lồ của Trung Quốc đang sản xuất pin cho vài công ty xe điện lớn trên thế giới, hồi tháng 6 đã tuyên bố sẵn sàng sản xuất những viên pin có tuổi thọ lên tới 16 năm hay 2 triệu km.
Elon Musk cũng phát tín hiệu rằng Tesla đang phát triển pin chạy được 1 triệu dặm. General Motors đang trong giai đoạn cuối của việc phát triển công nghệ pin cho phép sức bền tương tự.
George Crabtree, giám đốc Trung tâm nghiên cứu tích trữ năng lượng trực thuộc Viện nghiên cứu quốc gia Argonne, cho rằng “pin chạy được 1 triệu km là bước đột phá lớn nhưng đó không phải là điều đáng chú ý nhất”. Nếu không chăm sóc xe cẩn thận pin sẽ xuống cấp nhanh hơn. Thường xuyên sạc nhanh, sạc quá lâu hay để sập nguồn cũng khiến pin giảm tuổi thọ. Sử dụng xe trong thời tiết quá khắc nghiệt cũng vậy. Do đó điểm mấu chốt của viên pin 1 triệu km là những công nghệ đi kèm cho phép đối mặt với những chuyện này.
Các viên pin Li-ion cung cấp năng lượng cho những chiếc xe điện sẽ giảm tuổi thọ theo 2 cách: theo thời gian và do sử dụng. Theo thời gian thì những nguyên liệu trong viên pin sẽ hao hụt, làm giảm khả năng sạc. Còn pin chai do sử dụng là hệ quả của nhiều lần xả – sạc pin, do các phản ứng hóa học phức tạp xảy ra khi viên pin hoạt động mà cũng chính những quá trình đó giúp pin có thể tích trữ và giải phóng năng lượng.
Tuổi thọ của pin được quyết định bởi rất nhiều yếu tố, không chỉ phụ thuộc vào cách sử dụng pin mà còn vào cách viên pin được làm ra. Ngành công nghiệp pin có một vài quy tắc. Một khi công suất của viên pin giảm xuống dưới 80% mức ban đầu, không còn an toàn để sử dụng cho xe điện. Một số ước tính trung bình những viên pin Li-ion sẽ mất 2% công suất mỗi năm. Con số khá nhỏ bé nhưng điều đó cũng có nghĩa nếu 1 chiếc xe điện đã được sử dụng 6 năm thì cũng đã đi được một nửa vòng đời.
Công nghệ pin luôn luôn được cải tiến và các nhà sản xuất coi đó chính là chuyện sống còn. GM đang phối hợp với LG Chem của Hàn Quốc để phát triển pin Ultium cho phép xe điện chạy được 650km (con số trung bình hiện nay là khoảng 400km).
Nếu coi đó là 1 công cụ marketing, những viên pin chạy được 1 triệu dặm sẽ giúp người mua xe điện cảm thấy tự tin hơn. Nhưng cũng có những người thực sự muốn những viên pin như vậy. Có lẽ trong tương lai những chiếc xe sẽ không dừng lại ở vai trò là phương tiện giao thông. Đã có những dự định phát triển công nghệ sao cho các chủ xe có thể kết nối xe của họ với hệ thống đường dây điện sao cho điện dư thừa được tạo ra trong thời gian có nhiều gió và ánh nắng mặt trời sẽ được tích trữ và phát đi trong giờ cao điểm về nhu cầu. Chủ xe sẽ được thu phí để làm điều đó.
Và nếu loài người tìm ra được những công nghệ sản xuất pin có tuổi thọ rất dài, câu chuyện sẽ thay đổi. Từ chỗ là phần đầu tiên của chiếc xe bị hỏng, pin sẽ là linh kiện có tuổi thọ lâu nhất.
Tham khảo The Economist