Theo nguồn tin từ các hãng tàu mà Bloomberg có được, hàng trăm container cá đông lạnh đang bị ùn ứ tại Đại Liên, 1 cảng lớn chuyên nhập khẩu thủy hải sản. Nguyên nhân là do các cơ quan chức năng địa phương đang tiến hành kiểm dịch các thùng hàng trước khi thông quan. Tuy nhiên điều này dẫn đến tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng để giữ cho những container đông lạnh ở nhiệt độ chuẩn.
Thiếu ổ cắm điện và không gian bốc dỡ hàng hóa tại cảng khiến các hãng tàu phải hủy bỏ những đơn vận chuyển mới tới Đại Liên. Và bắt nguồn từ cá đông lạnh, tình trạng tắc nghẽn giờ đã lan sang cả những mặt hàng cần bảo quản lạnh khác như hoa quả và bánh bao. Các container đông lạnh cũng đang được chuyển hướng sang những cảng khác, dẫn đến những nút thắt cổ chai ở Thượng Hải và Thanh Đảo.
“Nếu tại cảng không có ổ cắm điện, các lô hàng thực phẩm sẽ rất dễ bị hư hỏng, thậm chí phải vứt đi toàn bộ nếu không được sớm chuyển sang 1 cảng khác”, Josh Brazil, COO của công ty dữ liệu Ocean Insights nói.
Khung cảnh ở Đại Liên khiến nhiều người nhớ đến thời điểm đầu năm ngoái, khi đại dịch mới chỉ được phát hiện ở Trung Quốc nhưng đã khiến dòng chảy thương mại toàn cầu ngay lập tức đứt đoạn. Các nước trong đó có Trung Quốc phong tỏa nghiêm ngặt đồng nghĩa các cảng bị đóng cửa và những con tàu không thể được dỡ hàng, tạo ra cảnh tượng những tàu chở hàng phải lênh đênh trên biển suốt nhiều tháng trời.
Sự kiện cũng nhấn mạnh ảnh hưởng của chính sách kiểm dịch thực phẩm nhập khẩu mà Trung Quốc đang áp dụng lên chuỗi cung ứng toàn cầu. Dù WHO tuyên bố không có bằng chứng nào cho thấy virus có thể truyền sang người từ thực phẩm và bao bì thực phẩm, Trung Quốc vẫn thực hiện kiểm dịch trên thịt và hải sản nhập khẩu. Chính sách gây tranh cãi này gây ra nhiều bất tiện cho các cảng.
Theo Hiệp hội các chủ tàu Trung Quốc, trung bình tại hầu hết các cảng trên khắp Trung Quốc, các tàu chở thực phẩm đông lạnh phải chờ tới 20 ngày mới được thông quan. Trong thời gian đó các công ty nhập khẩu phải trả chi phí điện và tiền bồi thường giữ tàu quá hạn.
AP Moller-Maersk A/S, hãng tàu container lớn nhất thế giới, cho biết đã ngừng đặt chỗ mới cho tàu chở hàng đông lạnh tại cảng Đại Liên. Đối thủ CMA CGM (Pháp) thì cho biết sẽ thu phí thêm đối với các lô hàng vận chuyển đến Đại Liên và sẽ điều hướng đến bất cứ nơi nào có thể.
Không chỉ Trung Quốc bị ảnh hưởng. Đại Liên và Thanh Đảo là những trung tâm trung chuyển hải sản rất lớn với ngành công nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu và xử lý hải sản phát triển hùng mạnh. Những tàu chở thủy hải sản của Nga vốn có đích đến là Đại Liên và Thanh Đảo nay đang được điều hướng sang cảng Busan của Hàn Quốc, khiến cảng này cũng có nguy cơ tắc nghẽn. Thậm chí thị trường Mỹ cũng bị ảnh hưởng vì phản ứng dây chuyền.
Steve Kranig, giám đốc công ty logistics IM-EX Global ở Wisconsin, Mỹ cho biết ông đã mất tới 6 tuần để có thể đặt tàu vận chuyển tiểu long bao và các thực phẩm đông lạnh khác từ Thanh Đảo đến Mỹ. Không chỉ có vậy, cước vận chuyển cũng đã tăng gần gấp đôi chỉ trong vài tháng.
“Các công ty Mỹ sẽ phải lên kế hoạch thật thận trọng và nên lường trước rằng chi phí chuỗi cung ứng sẽ còn tăng mạnh hơn nữa trong tương lai”, ông nói.
Tham khảo Bloomberg