24/12/2024

Dự báo lợi nhuận quý 3 tăng chậm lại

Một số dự báo về lợi nhuận ngân hàng đã được đưa ra gần đây. Nhìn chung, các bên phân tích cho rằng lợi nhuận quý 3 của các nhà băng sẽ tăng trưởng chậm lại so với các quý trước, tuy nhiên lũy kế 9 tháng đầu năm vẫn tăng trưởng dương.

FiinGroup cho biết, ước tính lợi nhuận quý 3 của 9 ngân hàng giảm 13,4% so với quý liền trước và đây là quý thứ hai liên tiếp các ngân hàng ghi nhận lợi nhuận giảm. Nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận các ngân hàng duy trì tăng 10,8%, nhưng tốc độ đã chậm lại trong 2 quý gần đây. 

Hai nguyên nhân chính dẫn tới sự sụt giảm này đến từ gia tăng trích lập dự phòng và cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19. 

Vietcombank và VietinBank, theo FiinGroup, sẽ lội ngược dòng và có mức tăng trưởng lợi nhuận lần lượt gần 1% và 5% so với quý trước, chủ yếu do nền so sánh thấp vì hai ngân hàng này đã tăng mạnh trích lập chi phí dự phòng rủi ro trong quý II.

Trong khi đó, lợi nhuận của VIB dự kiến giảm mạnh gần 40% so với quý trước do các mảng kinh doanh chính (bao gồm cho vay mua nhà, ô tô và bancassurance) bị tác động tiêu cực bởi giãn cách xã hội tại nhiều tỉnh thành lớn.

FiinGroup nhận định, giá cổ phiếu ngân hàng cũng đã phần nào phản ánh tình hình kinh doanh kém tích cực, với mức giảm 14% kể từ đầu tháng 7 sau khi đã tăng gần 50% trong nửa đầu năm nay, đưa định giá dựa trên giá trị sổ sách (P/B) của khối ngân hàng về 2,08x từ mức đỉnh 2,65x đầu tháng 5. Tuy nhiên, đây vẫn là mức khá đắt so với lịch sử cũng như triển vọng lợi nhuận ngắn và trung hạn dưới áp lực trích lập chi phí dự phòng rủi ro theo các quy định hiện hành, cũng như thực tế tác động của Covid-19 đến chất lượng tín dụng của người vay.

Bộ phận Phân tích chứng khoán SSI (SSI Research) mới đây cũng đưa ra ước tính kết quả kinh doanh quý III của 9 ngân hàng thương mại. Trong đó có 8 nhà băng được dự báo tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, đáng chú ý, SSI kỳ vọng lợi nhuận của Techcombank trong kỳ này có thể vượt Vietcombank và trở thành quán quân lợi nhuận quý 3 ngành ngân hàng. Cụ thể, Techcombank được dự báo có lợi nhuận trước thuế đạt 5.200 tỷ đồng, tăng 30% so với cùng kỳ. Trong khi Vietcombank dự báo không tăng trưởng, lợi nhuận ở mức 5.000 tỷ đồng.

Đồng thời, SSI cũng dự báo lợi nhuận MB và VPBank lần lượt là 3.400 tỷ và 3.200 tỷ, cao hơn so với VietinBank (dự báo 3.000 tỷ đồng).

Lợi nhuận sẽ phụ thuộc những yếu tố nào?

Tuy nhiên, trên thực tế, con số lợi nhuận của các nhà băng khó có thể dự báo hơn khi tùy thuộc vào mức độ giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp của từng ngân hàng những tháng qua, đồng thời kế hoạch trích lập dự phòng cũng sẽ tác động tới lợi nhuận.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng có sự phân hóa, sẽ tác động tới kết quả lợi nhuận khi đây vẫn là nguồn lãi chính của các nhà băng. Được biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ giao hạn mức tăng trưởng tín dụng theo nguyên tắc ngân hàng có tình hình hoạt động an toàn, lành mạnh hơn sẽ được NHNN xem xét phân bổ chỉ tiêu cao hơn. Với tỷ lệ an toàn vốn cao hơn rõ rệt, các ngân hàng tư nhân như TPBank, Techcombank, MSB, MBB,…được giao “room” tăng trưởng cao hơn đáng kể so với các ngân hàng thương mại nhà nước.

Trong quý 3 vừa qua, hàng loạt ngân hàng đã triển khai việc hạ mạnh lãi suất cho vay, tuy nhiên mức độ hỗ trợ ở từng nơi có sự chênh lệch. Theo NHNN, từ 15/7 đến 31/8, 16 ngân hàng thương mại đã thực hiện giảm tiền lãi hơn 8.800 tỷ đồng cho khách hàng, đạt 43,01% so với cam kết 20.600 tỷ đồng.

Trong đó, BIDV giảm lãi cho khách hàng 1.032 tỷ, Vietcombank 943 tỷ và VietinBank 857 tỷ,…Các ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank, ACB, …hỗ trợ lần lượt là 155 tỷ, 137 tỷ và 83 tỷ đồng,….

Với mức giảm lãi như trên, khá dễ hiểu khi có những dự báo kỳ vọng lợi nhuận của các ngân hàng tư nhân có thể tạm vượt lên trước các “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước trong quý 3/2021.

Điểm cuối cùng khiến cho lợi nhuận các ngân hàng rất khó dự báo là kế hoạch trích lập dự phòng. Trước đó, kết quả kinh doanh quý 2/2021 của các ngân hàng lớn như VietinBank, Vietcombank đã khiến giới phân tích bất ngờ khi chênh lệch rất nhiều so với dự kiến. Nguyên nhân là ngân hàng đã mạnh tay tăng trích lập dự phòng trong quý 2 khiến cho lợi nhuận đột ngột giảm mạnh. 

Trong những chỉ đạo gần đây, bên cạnh yêu cầu các ngân hàng giảm lãi, phí hỗ trợ doanh nghiệp, Ngân hàng Nhà nước cũng khuyến khích các ngân hàng trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ 100% số tiền dự phòng cụ thể phải trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ. Đồng thời, ngân hàng tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với TCTD có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.