Khởi nghiệp từ mong muốn giúp con gái
Lớn lên ở Armenia Xô viết vào đầu những năm 1980, Hovhannes Avoyan mơ ước được học ở trường nghệ thuật của nhà nước. Để vào được trường này, các ứng viên phải nộp một bức vẽ tĩnh vật là một chiếc bình. Tuy nhiên, bản phác thảo của Avoyan không gây được ấn tượng. Bị từ chối, ông chọn một con đường sáng tạo khác là khoa học máy tính, tập trung nghiên cứu thế hệ đầu tiên của trí tuệ nhân tạo và học máy.
Quyết định này mang đến một kết quả ngoạn mục. Trong 30 năm tiếp theo, Avoyan đã xây dựng và bán 3 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực phần mềm. Ông trở nên giàu có và là một trong những người đi đầu làn sóng công nghệ đang phát triển mạnh mẽ ở Armenia khi đó.
Vì vẫn là một người yêu nghệ thuật nên ông khuyến khích các con của mình theo đuổi lĩnh vực này. Một ngày vào năm 2011, con gái 11 tuổi của ông, Zara, tìm gặp ông với vẻ chán nản. Cô đăng một bức vẽ của mình lên mạng xã hội và nhận về nhiều bình luận gay gắt, khiến cô bé muốn từ bỏ niềm yêu thích.
“Những lời chỉ trích đó đã làm lung lay sự tự tin của cô bé. Khi đó, nó đã định từ bỏ. Nó khiến tôi nhớ lại tình cảnh của mình khi từ bỏ nghệ thuật để theo đuổi sự nghiệp khác vì không nhận được sự ủng hộ”, ông Avoyan, 56 tuổi, nói.
Vì vậy, ông quyết định xây dựng một ứng dụng di động cung cấp một số công cụ công nghệ để giúp cô con gái cải thiện các bức vẽ của mình. “Tôi muốn mang đến cho nó một môi trường tích cực và cho nó mọi nguồn lực để phát huy tài năng sáng tạo của con bé”.
10 năm sau, hành động khích lệ của Avoyan với cô con gái đã phát triển thành công ty Picsart, một trong những ứng dụng phổ biến nhất thế giới. Ứng dụng thiết kế và chỉnh sửa này có hơn 1 tỷ lượt tải xuống ở khắp 180 quốc gia. Ứng dụng này hiện có 28 ngôn ngữ ngoài ngôn ngữ ban đầu là tiếng Anh. Mỗi tháng, có hơn 150 triệu khách hàng, chủ yếu dưới 35 tuổi, sử dụng ứng dụng để thực hiện hơn 1 tỷ thao tác chỉnh sửa ảnh và video để đưa lên mạng xã hội, trang web thương mại và quảng cáo kỹ thuật số.
Đối thủ ‘đáng gờm’ của những cái tên lớn như Adobe, Canva
Được xây dựng trên mô hình kinh doanh kết hợp dịch vụ miễn phí và tính phí, Picsart cung cấp miễn phí các công cụ cơ bản và tính phí 4,66 USD mỗi tháng với phiên bản đầy đủ hơn. Trên ứng dụng có chiếu quảng cáo, song Picsart không thu thập dữ liệu người dùng hoặc cung cấp quảng cáo mục tiêu. Doanh thu của startup này đạt 100 triệu USD tính đến thời điểm hiện tại của năm 2021.
Quy mô của Picsart đang ngày càng lớn hơn. Ngày 26/8, ông Avoyan thông báo công ty khởi nghiệp với 800 nhân viên này đã huy động được 130 triệu USD từ Softbank (dẫn đầu), Sequoia, G Squared, Tribe Capital, Graph Ventures và Siguler Guff & Company trong vòng gọi vốn Series C. Các nguồn tin thân cận cho biết định giá sau khi rót vốn là gần 1,5 tỷ USD. Ông Avoyan không tiết lộ cổ phần của mình, song vẫn là cổ đông lớn nhất của Picsart.
“Picsart có nhiều điểm giống với WhatsApp. Đó là nền tảng toàn cầu được mọi người ở khắp nơi sử dụng. Cả hai đều là hiện tượng của thế giới trước khi nổi tiếng tại Mỹ”, Mike Vernal, Giám đốc tại quỹ đầu tư Sequoia, nói.
Picsart đã nắm bắt được hai xu hướng có ảnh hưởng nhất trong lĩnh vực mạng xã hội – công nghệ và thương mại điện tử. Khi các nền tảng mạng xã hội và điện thoại di động biến người dùng thành người xuất bản nội dung thì hàng trăm triệu người đang dựa vào Picsart để xử lý các thiết kế của họ. Ưu tiên tính di động và dễ dử dụng, Picsart đã phát triển các công cụ dựa trên AI và Java, cho phép mọi người chỉnh sửa và cải thiện chất lượng hình ảnh và video dễ dàng như thêm bộ lọc của Instagram.
Ông Larry Aschebrook của G Squared cho biết giới trẻ sử dụng công cụ này rất nhiều và Picsart đang thịnh hành ngang với các công cụ thiết kế, chỉnh sửa chuyên nghiệp.
Các họa sĩ chuyên nghiệp và nghiệp dư đều sử dụng Picsart để chỉnh sửa và tạo phong cách cho các bài đăng trên TikTok, Instagram, Snap, YouTube và Facebook. Với một vài thao tác, người dùng có thể thay đổi ánh sáng và thêm các mảng màu, dán nhãn và hoạt ảnh vào bức ảnh. Họ cũng có thể loại bỏ các nếp nhăn, hiện tượng mắt đỏ, mụn trứng cá và làm eo của mình thon hơn.
Tuy nhiên, Picsart còn làm được nhiều hơn ngoài việc “tâng bốc” những bức ảnh selfie của người dùng. Trong khi hàng triệu doanh nghiệp, nhà hàng và cửa hàng địa phương cũng đổ xô lướt web trong đại dịch Covid-19 thì giới doanh nhân lại dùng Picsart để giúp sản phẩm của họ trông ấn tượng hơn trên các nền tảng mạng xã hội như Shopify, Etsy, eBay, Depop và Doordash.
Related News |