Theo tờ Quazt, con số người chết do các nhà dịch tễ học và lãnh đạo y tế tổng hợp cho thế giới thấy một bức tranh ảm đạm: Trong số trên 10 triệu ca COVID-19 toàn cầu, gần nửa triệu người đã tử vong.
Tuy nhiên, một số người am hiểu lĩnh vực y tế sử dụng một thước đo khác về tử vong mà không mấy người quen thuộc: số năm tuổi thọ bị mất (YLL). Cả YLL và tổng số ca tử vong đều phản ánh cái giá đắt mà COVID-19 gây ra về sinh mạng. Tuy nhiên, hai chỉ số nhấn mạnh tới các khía cạch khác nhau mà mọi quốc gia đều phải đối mặt.
YLL được dùng trong giới học thuật từ những năm 1940 nhưng mãi tới những năm 1990, các nhà khoa học mới sử dụng rộng rãi chỉ số này. Đó là khi các nhà nghiên cứu Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) xuất bản nghiên cứu Gánh nặng Bệnh tật Toàn cầu đầu tiên.
Đây là nghiên cứu đầu tiên không chỉ đo lường số người tử vong trên toàn cầu mà là đánh giá thời điểm họ tử vong và tác động của những cái chết này với sự phát triển chung của một quốc gia.