27/12/2024

“Đại dịch do chủng virus Corona mới gây ra khiến nhiều doanh nghiệp Việt ảnh hưởng nặng, trong đó có nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ngay sau đó, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo, nhiều chính sách và giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo”, ông Vũ Quốc Huy – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho biết.

Sau đại dịch cơ cấu kinh tế thế giới thay đổi, có sự dịch chuyển cơ cấu đầu tư, dịch chuyển từ một số nước xung quanh. Do Chính phủ dập dịch quyết liệt và đã thành công đến giai đoạn này nên Việt Nam có nhiều cơ hội đón nhận nhiều thị trường mới. Trả lời ICTnews bên lề sự kiện Grab Ventures Ignite Bootcamp dành cho các công ty khởi nghiệp, ông Vũ Quốc Huy cho rằng sau Covid-19 tình hình thực tế tại Việt Nam sẽ khác trước, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngoại trong ngắn hạn, các nhà đầu tư kỹ tính hơn, tuy nhiên những startup linh hoạt chuyển đổi sẽ có cơ hội mới.

Nếu doanh nghiệp quản trị được, thích nghi được với thay đổi thì sẽ chuyển mình nhanh hơn trước, có nhiều cơ hội dẫn đầu. Ngược lại, các công ty không theo kịp sẽ có khả năng phá sản.

Đồng tình quan điểm này, bà Nguyễn Thái Hải Vân, Giám đốc Điều hành Grab Việt Nam cho rằng sau đại dịch thói quen khách hàng thay đổi rất nhiều do đó doanh nghiệp cũng phải thay đổi để thích ứng theo.

Chỉ sau vài tháng, khách hàng tại Việt Nam đã thích nghi mạnh mẽ với mua sắm online. Nhiều bà nội trợ thay đổi thói quen từ đi chợ sang mua qua ứng dụng. Việc mua bán hàng thiết yếu qua kênh online tăng chưa từng thấy. Nhiều người vốn hay mua hàng cao cấp nay chuyển sang mua hàng hoá đại trà.

“Chỉ trong vòng vài tháng, cả doanh nghiệp lẫn người dân như đang tiến bộ hơn gần chục năm”, bà Vân nói.

So sánh thiệt hại kinh tế lần này với khủng hoảng toàn cầu năm 2008, bà Vân nhận định rằng doanh nghiệp cần đẩy mạnh sáng tạo, thích nghi với tình hình mới để vượt qua.

“Chúng ta hôm nay nhìn lại khủng hoảng 2008 và vui mừng đã vượt qua nó. Lần này chúng ta hẳn cũng sẽ vượt qua nhưng đòi hỏi doanh nghiệp phải có phương án thích nghi kịp thời”, bà Vân nói thêm.

Nguồn vốn ngoại sẽ ít trong ngắn hạn

Ông Huy dẫn ví dụ các công ty như MoMo, VNPay, Elsa, Lozi năm ngoái nhận được nhiều khoản đầu tư lớn tại Việt Nam chủ yếu do có sự dịch chuyển nhanh về yếu tố công nghệ. Do đó, các startup tiếp theo nếu sáng tạo, có công nghệ mới sẽ tiếp cận được các nguồn vốn để phát triển.

Tuy nhiên, ông Huy cũng lưu ý trong ngắn hạn có thể thiếu những khoản đầu tư lớn. Trong năm tiếp theo, các khoản vốn rót sẽ được chắt lọc hơn, nhà đầu tư sẽ đánh giá startup kỹ hơn, mô hình kinh doanh phải được chứng minh.

Dù vậy, khi tình hình ổn định trở lại, các thị trường mới được hình thành thì chất lượng các khoản đầu tư sẽ cao hơn.

Trước mắt, để hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đã có nhiều biện pháp giảm thuế, hỗ trợ vốn. Chẳng hạn, Nghị quyết 42 và Nghị quyết 84 về hỗ trợ doanh nghiệp và người dân sau Covid-19 có các giải pháp như giảm 30% thuế thu nhập cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng, miễn thuế đất, giảm lãi suất ngân hàng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa,…

Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp có sửa đổi để thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Ngoài ra, Chính phủ cũng có Chỉ thị 09 yêu cầu hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật để dễ di chuyển nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.

Ông Trần Hải Linh, CEO Sen Đỏ, khuyên các startup trong giai đoạn này phải chuẩn bị tài chính để duy trì hoạt động ít nhất trong vòng 18 tháng. Trước đây, khoản duy trì này chỉ vào khoảng 12 tháng, nhưng trong giai đoạn dịch bệnh còn chưa được kiểm soát trên toàn cầu, doanh nghiệp cần gia tăng khoản dự trữ.

Ông Huy cũng cho biết mặc dù bị ảnh hưởng bởi Covid-19, nhưng nền kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục. Số liệu của Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy trong tháng 6, tình hình thu hút vốn đầu tư có tăng so với tháng 4, tháng 5, dù vẫn giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp đăng ký mới trong tháng 6 cũng tăng so với hai tháng trước đó.