Với biến chủng Delta làm chùn bước những nỗ lực mở cửa trở lại các nhà máy, văn phòng và trường học trên khắp thế giới, làn sóng dịch bệnh quay trở lại trong mùa hè vừa qua đang khiến đà hồi phục của kinh tế toàn cầu bị chậm lại đáng kể.
Thay vì bước vào những tháng cuối năm 2021 tràn đầy tự tin rằng thời kỳ tồi tệ nhất của đại dịch đã qua, giờ đây bức tranh mang màu sắc bi quan hơn đang ngày càng trở nên rõ ràng: chúng ta cần phải tiêm chủng mũi thứ 3 vì hiệu quả của vaccine thấp hơn dự tính, các công sở còn lâu mới có thể mở cửa trở lại và các nước vẫn phải đóng cửa biên giới.
Các dữ liệu kinh tế được công bố trong tuần trước dường như khiến cả thế giới phải thức tỉnh. Nhiều điểm tái bùng phát dịch, “giáng đòn mạnh” vào hoạt động du lịch và chi tiêu. Những nút thắt cổ chai trên chuỗi cung ứng toàn cầu cũng trở nên tồi tệ hơn, ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất và thương mại. Giá gas tăng đang trở thành mối đe dọa mới.
Niềm lạc quan đột ngột bị dập tắt
Hôm 3/6, Mỹ công bố báo cáo việc làm đáng thất vọng với số việc làm mới đột ngột giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 7 tháng trở lại đây. Điều này làm phức tạp thêm kế hoạch “taper” của Cục dự trữ liên bang. Theo dự tính Mỹ có kế hoạch bắt đầu thu hẹp các biện pháp kích thích tiền tệ kể từ cuối năm nay.
Cụ thể, số việc làm trong lĩnh vực phi nông nghiệp tăng 235.000 trong tháng trước, thấp hơn mọi dự báo và sụt mạnh so với con số 1,05 triệu của tháng 7. Sau nhiều tháng tăng trưởng tốt, việc làm trong ngành dịch vụ lưu trí, nghỉ dưỡng và khách sạn đã đi ngang trong tháng 8.
Sự ảm đạm của thị trường lao động phản ánh 2 điều: những nỗi sợ trước sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta và những khó khăn trong việc tìm nhân sự. Trong tháng 8, 5,6 triệu người Mỹ cho biết họ không thể tìm được việc vì dịch bệnh, tăng so với mức 5,2 triệu người của 1 tháng trước đó.
Số ca nhiễm vẫn đang tăng mạnh sẽ khiến các doanh nghiệp càng phải thận trọng hơn với kế hoạch tuyển dụng, đồng thời khiến người lao động không còn muốn theo đuổi các việc làm có mức độ tiếp xúc cao.
Số việc làm tại các nhà hàng và quán bar giảm 42.000. Các ngành bán lẻ, xây dựng, y tế cũng đều giảm việc làm trong tháng trước.
Giới phân tích nhận định những con số này sẽ làm giảm khả năng Fed bắt đầu thu hẹp kích thích vào cuối năm nay và ngược lại sẽ hỗ trợ nỗ lực thúc đẩy kế hoạch chi tiêu hàng nghìn tỷ USD cho xã hội của Tổng thống Joe Biden.
“Trước Delta, chúng tôi dự tính mỗi tháng mùa thu sẽ có hơn 1 triệu việc làm mới được tạo ra, nhưng giờ thì các con số cho thấy bức tranh thực tế thật sự khó khăn. Ông Powell (Chủ tịch Fed) sẽ không vội vàng thu hẹp kích thích khi mà bức tranh thị trường lao động bấp bênh như vậy”, Ian Shepherdson, chuyên gia kinh tế trưởng tại Pantheon Macroeconomics nhận xét.
Citigroup cảnh báo đà hồi phục của kinh tế thế giới sẽ rất khiêm tốn và có sự khác biệt sâu sắc giữa các ngành cũng như các vùng địa lý.
Robin Brookds, chuyên gia kinh tế trưởng của Viện tài chính quốc tế IIF, hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2021 từ 6,2% xuống còn 5,7%. “Sự lây lan của biến chủng Delta khiến quá trình tái mở cửa chậm lại đáng kể và do đó phải hạ mạnh dự báo tăng trưởng”.
Từ Mỹ, Australia, Đức cho đến Trung Quốc đều phải thay đổi kế hoạch rút lui các biện pháp kích thích kinh tế. Chính phủ Trung Quốc thậm chí còn tăng cường chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ.
Lối đi nào cho kinh tế thế giới?
Tình hình nghiêm trọng đến đâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào khoa học.
Với những nền kinh tế có tỷ lệ tiêm chủng cao, các nhà hoạch định chính sách có thể lựa chọn những biện pháp chống dịch có mục tiêu cụ thể (ví dụ như yêu cầu những người đến nơi công cộng phải có chứng nhận đã tiêm đủ vaccine) thay vì phải áp dụng một đợt phong tỏa diện rộng khác. Tỷ lệ tiêm chủng cao sẽ làm giảm thiệt hại kinh tế so với những làn sóng dịch bệnh trước.
Các chính phủ này cũng có nhiều lựa chọn hơn để đối phó nếu như vaccine tiếp tục ngăn chặn được xu hướng số ca tử vong và số ca bệnh nặng tăng lên, theo David Mackie, chuyên gia kinh tế tại JPMorgan Chase.
Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi phải đương đầu với nhiều khó khăn. Tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 tại 39 nền kinh tế được IMF định nghĩa là “phát triển” đã lên đến 58%, trong khi tỷ lệ tại phần còn lại của thế giới là 31%. Đó là chưa kể đến việc Trung Quốc xếp trong nhóm nền kinh tế mới nổi nhưng đã triển khai tiêm vaccine trên diện rộng. Do đó đà hồi phục 2 tốc độ với sự khác biệt đáng kể giữa nhóm phát triển và đang phát triển sẽ ngày càng khoét sâu hơn nữa.
Đông Nam Á đang là một trong những khu vực mà dịch bệnh đang diễn biến nặng nhất. Vai trò quan trọng của châu Á trên chuỗi cung ứng sản xuất và vận tải toàn cầu đang gây nên tình trạng khan hiếm hàng hóa trên toàn thế giới. Cuối cùng điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến chi tiêu tiêu dùng và còn đẩy giá hàng hóa lên cao.
Janet Henry, chuyên gia kinh tế trưởng tại HSBC, nhận định: “Ở Mỹ và các nước châu Âu, nơi có tỷ lệ tiêm chủng cao và đang tiếp tục tái mở cửa, tăng trưởng vững vàng hơn. Nhưng các nền kinh tế này cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi những gián đoạn ở các nơi khác, đặc biệt là tình trạng các nhà máy ở châu Á phải đóng cửa vì biến chủng Delta”.