Nhiều chuyên gia đã nhận định, chuyển đổi số không còn là nhu cầu muốn hay không mà là yếu tố bắt buộc giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay đảm bảo không bị thụt lùi, không gián đoạn. Việc đổi mới cách thức quản trị, tích tụ dữ liệu thông minh cho DN, sử dụng hiệu quả các nền tảng trực tuyến sẽ có nhiều cơ hội vượt qua khó khăn, thậm chí tận dụng cơ hội phát triển.
Vậy các doanh nghiệp Việt Nam đã và đang chuyển đổi số như thế nào? Những kết quả của việc áp dụng chuyển đổi số vào trong sản xuất, kinh doanh như thế nào? Xu hướng này sẽ tiếp tục như thế nào trong thời gian tới? Đâu là những khó khăn doanh nghiệp cần tháo gỡ và hỗ trợ để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số?
Chiều nay Tạp chí Doanh nghiệp & Tiếp thị tổ chức toạ đàm trực tuyến “Chuyển đổi số lực đẩy từ đại dịch Covid – 19” nhằm chia sẻ góc nhìn về chuyển đổi số nhìn từ góc độ của doanh nghiệp và cách gỡ khó để đẩy nhanh tiến trình số hoá doanh nghiệp. Tham dự chương trình có hai chuyên gia:
– Giáo Sư Hà Tôn Vinh – Chủ tịch Tổ hợp Giáo dục và Tư vấn Quốc Tế Stellar Management
– Bà Nguyễn Thuỳ Dung: Chuyên gia về công nghệ thông tin – CEO Bizfly Martech & Salestech
Chương trình được đồng hành tổ chức bởi Tổng Công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội Habeco và được phát sóng livetream trên fanpage của CafeF vào lúc 14h chiều ngày 27/10/2021.
Chuyển đổi số lực đẩy từ đại dịch Covid – 19
Chuyển đổi số lực đẩy từ đại dịch Covid – 19 Nội dung: Báo cáo Khoa học – Công nghệ và Đổi mới sáng tạo được Ngân hàng Thế giới công bố mới đây cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp trong nước tại Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 98% tổng số doanh nghiệp và chiếm 1/2 lực lượng lao động. Khoảng 20% hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế do thiếu quy mô, công nghệ và mức độ tinh vi về kinh doanh để có thể tăng năng suất và mở rộng thị trường.
Báo cáo cũng chỉ ra nhiều cơ hội để cải thiện năng suất doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng và phổ biến công nghệ tại Việt Nam. Về công nghệ kỹ thuật số, kết quả khảo sát mới đây về áp dụng công nghệ (2020) cho thấy, với các loại hình kinh doanh khác nhau, trung bình chỉ có 20% doanh nghiệp sử dụng quy trình số hóa hoàn chỉnh trong triển khai các chức năng kinh doanh chung (GBF) tại Việt Nam – bao gồm tiếp thị, thanh toán, lập kế hoạch sản xuất để hỗ trợ bán hàng và quản lý chuỗi cung ứng, bán hàng.
Ví dụ, trong khi hầu hết các doanh nghiệp ở Việt Nam có thể thực hiện bán hàng trực tuyến, chỉ có 1% doanh nghiệp bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng sử dụng một số phương thức bán hàng kỹ thuật số thường xuyên hơn các phương pháp khác, hoặc thông qua nền tảng xã hội hoặc (thông thường) trên website của riêng họ. Điều này được thể hiện trong chỉ số kỹ thuật số ở mức 0,1 với hoạt động bán hàng. Mặt khác, có 51% doanh nghiệp sử dụng các công nghệ kỹ thuật số trong hoạt động tiếp thị và quảng cáo.
Trong tương lai, Việt Nam sẽ cần tăng cường mức độ sẵn sàng ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số và nền sản xuất linh hoạt hơn trước các thách thức hiện hữu song hành cùng cú sốc của đại dịch COVID-19.
MC: Câu hỏi đầu tiên tôi xin phép được hỏi giáo sư Hà Tôn Vinh. Theo ông chúng ta nên hiểu thế nào cho đúng về khái niệm chuyển đổi số của doanh nghiệp hiện nay?
Giáo sư Hà Tôn Vinh: Năm 1974-1975 IBM, Compact cho ra mắt máy tính bàn và đó là khởi đầu cuộc cách mạng thông tin khi chúng ta sử dụng máy tính để làm công việc thường có của doanh nghiệp như soạn văn bản, marketing, lưu trữ thông tin…
Năm 1992-1993 là cuộc cách mạng internet, khi đó internet và máy tính đã kết hợp thành cặp đội hoàn hảo đưa thế giới sang một trang mới, chúng ta đưa hoạt động kinh doanh và Chính phủ số hoá, chuyển đổi văn bản thành tài liệu số để lưu trữ.
Đến hôm nay 2021 thế giới có hơn 4 tỷ 600 triệu người sử dụng internet, khi chúng ta nối mạng toàn cầu và kết nối chính phủ với dân chúng, kết nối doanh nghiệp với doanh nghiệp, kết nối thương mại với công nghệ, chúng ta bước vào cuộc cách mạng công nghệ lần thứ 3 đó là chuyển đổi số.
Chuyển đổi số là chuỗi hoạt động mà chúng ta làm thủ công bằng tay, tốn kém nhiều chi phí sang sử dụng công nghệ để làm cuộc sống dễ dàng hơn, doanh nghiệp có thể tiếp cận khách hàng toàn cầu qua môi trường số, đó là cuộc cách mạng rất lớn.
Trong 5 năm nữa các hoạt động như thương mại, giáo dục, sẽ chuyển đổi số hết.
Chuyển đổi số là xu hướng không thể đảo lộn lại, 3-5 năm nữa sẽ bùng nổ công nghệ số để kinh doanh, cuộc sống số, kinh tế số, chính phủ số…
Tôi xin hỏi đại diện Bizfly bà Nguyễn Thuỳ Dung đánh giá như thế nào về quá trình chuyển đổi số hiện nay của các doanh nghiệp Việt Nam?
Nhiều người nghĩ rằng chuyển đổi số giống như “con quái vật” và doanh nghiệp sẽ cần tốn rất nhiều chi phí để chuyển đổi số. Tuy nhiên chúng tôi đã cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hiện tại Bizfly có hơn 2000 khách hàng doanh nghiệp. Dựa trên những gì Bizfly đang làm tôi xin chia sẻ góc nhìn của tôi như sau:
Hiện tại với tốc độ tăng trưởng kinh tế của chúng ta và Covid xảy ra tạo ra cú hích cực mạnh cho doanh nghiệp. Những năm 2020 trở về trước, các DN nhìn chuyển đổi số như một xu hướng, tôi sẽ nghiên cứu, cân nhắc doanh nghiệp của tôi sẽ làm gì, sẽ đầu tư như thế nào. Nhưng từ năm 2021 tôi nhìn thấy một tín hiệu cực kì rõ ràng, các doanh nghiệp không đứng ngoài cuộc chơi chuyển đổi số nữa.
85% các chủ doanh nghiệp tôi phỏng vấn khẳng định sẽ chuyển đổi số cho doanh nghiệp của mình và 65% khẳng định sẽ tăng ngân sách cho chuyển đổi số. Bizfly cung cấp giải pháp chuyển đổi số cho hoạt động bán hàng và marketing thì riêng 6 tháng đầu năm 2021 lượng khách hàng tìm đến Bizfly xin tư vấn chuyển đổi số gấp đôi lượng khách hàng của cả năm 2020.
Tôi chưa thấy tín hiệu nào rõ ràng hơn, doanh nghiệp đã thực sự bước vào cuộc chơi chuyển đổi số rồi.
Cụ thể, năm nay ngân sách chi tiêu cho công cụ chuyển đổi số khi chúng tôi cung cấp cho khách hàng đã tăng gấp đôi với dịch vụ đóng gói, doanh nghiệp chi 30 triệu đồng cho dịch vụ chatbot thì nay sẵn sàng chi 60 triệu đồng/gói. Với dịch vụ website, với dịch vụ may đo riêng cho doanh nghiệp thì mức độ tăng chi tiêu của doanh nghiệp rất ấn tượng. Nếu trước đây các doanh nghiệp chỉ sẵn sàng chi 50 triệu đồng/website thì nay chúng tôi đã có gói 300 triệu đồng thậm chí 1-2 tỷ đồng/website. Ở đây tôi muốn nói là cuộc chơi chuyển đổi số đã lăn bánh và doanh nghiệp tham gia rất sâu. Lực lượng đang tham gia mạnh mẽ nhất là các doanh nghiệp SMEs. Các tập đoàn lớn sẽ tham khảo rất nhiều và cân nhắc còn SMEs tham gia từ rất sớm.
Chúng ta đã đi được một bước khá dài trong việc chuyển đổi số trong lĩnh vực bán hàng và marketing rồi.