Con số trên có trong báo cáo về công tác thi hành năm 2021 mà Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long vừa gửi về Quốc hội.
Báo cáo có phần cụ thể về việc phối hợp cùng các tổ chức tín dụng (TCTD) tiến hành thu hồi nợ, cùng kết quả bước đầu trong năm 2021.
Về tinh thần chung, theo báo cáo, năm 2021, hệ thống thi hành án dân sự (THADS) tiếp tục thực hiện nghiêm Nghị quyết số 42/2017/QH14, Chỉ thị số 32/CT-TTg ngày 19/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ (về xử lý nợ xấu ); phối hợp chặt chẽ với TCTD rà soát, đánh giá các khó khăn, vướng mắc để có giải pháp giải quyết hiệu quả; tăng cường công tác phối hợp, kiểm tra, đôn đốc, đẩy nhanh việc tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án có hiệu lực pháp luật.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tăng cường phối hợp với cơ quan THADS giải quyết các vướng mắc trong việc thực hiện Nghị quyết số 42/2017/QH14, tổ chức thi hành các vụ việc về tín dụng ngân hàng (hỗ trợ tiền thuê nhà; miễn, giảm lãi vay…).
“Nhờ áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nên mặc dù điều kiện kinh tế – xã hội có nhiều khó khăn nhưng kết quả thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng vẫn đạt được những kết quả đáng được ghi nhận”, báo cáo cho biết.
Cụ thể, trong năm 2021, tổng số việc loại này phải thi hành là 36.215 việc, tương ứng với 125.875 tỷ đồng, chiếm 4,3% về việc và 43,98% về tiền trong tổng số phải thi hành. Hiện đã thi hành xong là 4.503 việc, tương ứng với 18.246 tỷ đồng.
Như vậy, so với tổng số việc và tổng số tiền cần thi hành, kết quả trên mới chỉ chiếm một phần nhỏ. Điều này tiếp tục phản ánh khó khăn trong công tác thi hành án và thu hồi nợ của các TCTD thời gian qua. Và trong năm nay, cũng như báo cáo đề cập, còn có trở ngại là tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp và kéo dài hơn.
Báo cáo của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cũng dành một phần nêu kết quả thi hành đối với các khoản bị chiếm đoạt trong vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Theo Bộ trưởng, xác định công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế là nhiệm vụ quan trọng nên trong năm qua Chính phủ tiếp tục đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác này.
Bộ Tư pháp chủ động phối hợp với các bộ, ngành liên quan để cung cấp thông tin về hiện trạng, tình trạng pháp lý về đất đai, tài sản, thống nhất phương án xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thu hồi tài sản; tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với Ban chỉ đạo THADS các tỉnh, thành phố, nhất là các địa bàn trọng điểm như TP.HCM, Đà Nẵng và Hà Nội để kịp thời phối hợp chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Bộ Công an đã chỉ đạo các cơ quan điều tra phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan áp dụng các biện pháp xác minh, truy tìm, tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản… tạo tiền đề thuận lợi cho công tác thu hồi tài sản ở giai đoạn THADS.
Bộ Tư pháp đã thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra để rà soát, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những thiếu sót trong việc tổ chức thi hành án; tiếp tục duy trì hoạt động của các Tổ công tác chỉ đạo giải quyết đối với những vụ án trọng điểm; thường xuyên trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc các cơ quan THADS tổ chức thi hành hiệu quả đối với các loại việc này.
Theo Bộ trưởng, các cơ quan THADS trong toàn quốc đã luôn nhận thức, xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, quan trọng, đã tập trung tích cực tổ chức thi hành án, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, kịp thời phối hợp với các cơ quan chức năng địa phương để không ngừng nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
Về kết quả đạt được, báo cáo cho biết, số việc có điều kiện đang thi hành là 3.691 việc, tương ứng với số tiền, giá trị tài sản là 34.946 tỷ đồng; đã thi hành xong 2.697 việc, thu được 4.094 tỷ đồng.
“Hiện nay, các cơ quan THADS đang tập trung xử lý tài sản, giải quyết thi hành dứt điểm đối với một số vụ việc có giá trị tài sản lớn như vụ Phan Văn Anh Vũ, vụ Phạm Công Danh… Theo Kế hoạch, những công việc này được thi hành trong những tháng giữa năm 2021, nhưng do ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch COVID-19 nên chưa thực hiện được theo tiến độ”, báo cáo cho biết.