27/12/2024

Theo CNBC, CEO của Pfizer – Albert Bourla, đã bán số cổ phiếu trị giá 5,6 triệu USD vào hôm thứ Hai, cùng ngày nhà sản xuất thuốc này công bố thông tin tích cực về vắc-xin Covid-19 và đưa giá cổ phiếu tăng vọt.

Cổ phiếu của Pfizer đã tăng gần 15% vào phiên giao dịch hôm thứ Hai, sau khi công ty này và đối tác là BioNTech cho biết vắc-xin họ đang phát triển có hiệu quả hơn 90%. Cùng ngày, Bourla đã bán 132.508 cổ phiếu với mức giá trung bình 41,94 USD/cổ phiếu, tương đương tổng giá trị gần 5,6 triệu USD, theo hồ sơ nộp lên SEC. Đây là một giao dịch được thiết lập trước, thông qua vào ngày 19/8, khi công ty này đang tuyển thêm tình nguyện viên thử nghiệm vào giai đoạn cuối.

Hiện tại, vẫn chưa rõ thời điểm ông Bourla biết được thông tin về thông tin tích cực trên, dù một giám đốc điều hành khác – tiến sĩ Kathrin Jansen – đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển vắc-xin tại Pfizer chia sẻ với New York Times rằng bà biết kết quả lúc 1 giờ chiều ngày Chủ Nhật.

Lượng cổ phiếu bán ra chiếm 61,8% số cổ phần ông đang sở hữu trực tiếp và gián tiếp trong Pfizer. Hiện tại, ông vẫn sở hữu 81.812 cổ phiếu cả trực tiếp và gián tiếp, hồ sơ chứng khoán cho thấy. Công ty này cũng xác nhận về động thái này và cho biết thêm Bourla nắm giữ lượng cổ phiếu lớn trong công ty thông qua “các kế hoạch tiết kiệm đủ tiêu chuẩn và không đủ tiêu chuẩn” – có thể hiểu là quyền chọn cổ phiếu.

Người phát ngôn của Pfizer cho hay: “Sau hơn 25 năm gắn bó với công ty, Albert sở hữu lượng cổ phiếu đáng kể theo các kế hoạch đủ tiêu chuẩn và không đủ tiêu chuẩn của chúng tôi. Ông ấy hiện đang nắm giữ cổ phiếu có giá trị gấp khoảng 9 lần mức lương sau khi bán bớt trong tuần này.”

Theo một báo cáo ủy quyền của Pfizer năm 2019, ông Bourla được bổ nhiệm làm CEO của công ty vào ngày 1/1/2019, với mức lương cơ bản 1,65 triệu USD từ ngày 1/4/2019. Theo đó, số cổ phiếu giá trị cao gấp 9 lần lương tương đương khoảng 15 triệu USD. 

Nhà phân tích công nghệ sinh học của Baird – Brian Skorney, nhận định ông Bourla hoàn toàn xứng đáng với điều này. Hơn nữa, lợi nhuận ông thu về từ việc công ty bán vắc-xin vẫn là rất nhỏ so với những lợi ích mà vắc-xin mang đến cho thế giới.

Bourla không phải là CEO ngành dược phẩm hoặc công nghệ sinh học đầu tiên thu về lợi nhuận từ cổ phiếu của công ty trong thời điểm đại dịch bùng phát. Trước đó, 5 giám đốc điều hành của công ty công nghệ sinh học Moderna – cũng sản xuất vắc-xin Covid-19, đã bán hơn 80 triệu USD cổ phiếu trong năm nay, khi cổ phiếu của công ty tăng hơn 300% kể từ ngày 1/1.

Tuy nhiên, không như Pfizer, Moderna được chính phủ tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển vắc-xin Covid-19 qua chương trình Operation Warp Speed. Đây là chương trình được chính quyền ông Trump nỗ lực thúc đẩy nhằm nhanh chóng đưa vắc-xin vào sử dụng.

Pfizer cũng tham gia Operation Warp Speed và nhận được đầu tư từ chính phủ. Tuy nhiên, khoản tiền này không được sử dụng để cho việc phát triển, mà cho công đoạn phân phối.

Trong khi cổ phiếu của Moderna tăng vọt trong năm nay, thì cổ phiếu Pfizer lại giảm hơn 2% kể từ ngày 1/1. Skorney cho biết công ty này có thể không thu được nhiều lợi nhuận đến vậy từ việc đưa vắc-xin Covid-19 ra thị trường. Hiện vẫn chưa rõ liệu vắc-xin sẽ mang về cho họ bao nhiêu lợi nhuận.

Tuy nhiên, Jay Clayton – chủ tịch SEC, đã cảnh báo các giám đốc điều hành không nên bán cổ phiếu trong bối cảnh đại dịch vẫn có diễn biến phức tạp, vì có thể gây ra hiệu ứng tiêu cực. Ông nói: “Nếu là giám đốc của một công ty niêm yết ở thời điểm như thế này, sẽ có những tình huống đặc biệt để bạn thực hiện lệnh mua bán trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, như chúng tôi đã nói, trong thời điểm biến động như thế này, hãy duy trì sự ổn định cho công ty. Tại sao bạn lại muốn làm người ta phải đặt câu hỏi rằng liệu bạn có đang hành động phù hợp hay không?”.

Tham khảo CNBC