Trong báo cáo triển vọng mới đây, Bộ phận phân tích CTCK Agribank (Agriseco Research) đánh giá sản lượng ngành Điện trong năm 2021 tăng trưởng chậm hơn do ảnh hưởng bởi COVID-19 và tình trạng giãn cách kéo dài tại nhiều vùng kinh tế trọng điểm.
Sản lượng điện trên toàn hệ thống trong 9 tháng đầu năm ước đạt 213 tỷ kWh, tăng 3,3% so với cùng kỳ, tuy nhiên xét riêng thì sản lượng của quý 3 đã giảm 7% so với quý 2. Điều này được cho là hợp lý khi thông thường mức tăng trưởng sản lượng điện ở Việt Nam hàng năm gấp khoảng 1,5 lần tới 2 lần tăng trưởng GDP. Theo đó, với mục tiêu tăng trưởng GDP 6% – 6,5% trong năm 2022 và nền thấp của 2021, Agriseco Research kỳ vọng ngành điện sẽ quay trở lại mức tăng trưởng 2 chữ số trong năm tới.
Lợi thế từ yếu tố thủy văn thuận lợi và dự án Quy hoạch điện VIII
Cụ thể hơn, báo cáo đánh giá tích cực đối với triển vọng nhóm nhiệt điện than và nhóm năng lượng tái tạo trong năm 2022. Đặc biệt, nhóm nhiệt điện than tại miền Bắc có thể sẽ được hưởng lợi ngay từ đầu năm do khu vực này có thể thiếu nước trong các tháng tới và tăng trưởng nguồn điện ở mức khá thấp so với tăng trưởng phụ tải.
Bên cạnh đó, trong trung và dài hạn, nhóm nhiệt điện khí và năng lượng tái tạo được kỳ vọng sẽ dần thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như điện than và thủy điện.
Ngoài ra, không thể không nhắc đến dự thảo Quy hoạch điện VIII đã mở ra nhiều triển vọng mới cho ngành điện nói chung và các nguồn điện nói riêng. Trong đó, thủy điện nhỏ với công suất bổ sung khoảng 6.000 MW sẽ được tập trung khai thác hơn do các dự án quy mô lớn hơn gần như đã hết tiềm năng. Nhiệt điện than và Nhiệt điện khí (tua bin khí) cũng sẽ đóng vai trò chủ đạo đến 2030 do lợi thế dễ lựa chọn địa điểm nhà máy gần với vùng có nhu cầu phụ tải cao, đặc biệt tại Bắc Bộ.