27/12/2024

CTCP Thaiholdings (HNX: THD) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2021 đã soát xét.

Theo đó, doanh thu công ty sau nửa đầu năm 2021 đạt gần 2.880 tỷ đồng, tăng gấp 6,4 lần so với cùng kỳ năm ngoái; lãi sau thuế 397,2 tỷ đồng, gấp 30 lần, chủ yếu nhờ khoản lợi nhuận khác 610,2 tỷ đồng từ việc chuyển nhượng dự án nhà máy xi măng Minh Tâm cho một đơn vị khác trong hệ thống là CTCP Xi măng Xuân Thành Bình Phước.

Năm 2021, công ty dự kiến mang về 6.890 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.400 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 270% và 28% so với thực hiện năm 2020. Như vậy, sau 6 tháng đầu năm, Thaiholdings mới hoàn thành gần 42% kế hoạch doanh thu và 28,4% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản công ty tại ngày 30/6/2021 đạt 11.845 tỷ đồng, tăng 13,3% so với số đầu năm; nợ phải trả 6.139 tỷ đồng, giảm 22% còn 6.139 tỷ đồng.

Dù vậy, vay nợ tài chính của Thaiholdings lại tăng khá mạnh, từ 3.315 tỷ đồng lên 3.834 tỷ đồng.

Ở chi tiết thú vị, phần lớn khoản tăng thêm này tới từ hơn 500 tỷ đồng vay margin tại các công ty chứng khoán, lớn nhất là CTCP Chứng khoán Sài Gòn Hà Nội (SHS) với 293 tỷ đồng, Mirae Asset (190 tỷ đồng), VNDirect (15 tỷ đồng) và KIS Việt Nam (2,4 tỷ đồng).

Tới cuối quý 2/2021, Thaiholdings đang đầu tư vào 5 mã cổ phiếu, gồm 45 tỷ đồng vào CTG, 32 tỷ đồng vào MSN, 2,4 tỷ đồng vào HUT và 7,6 tỷ đồng vào MBB.

Khoản đầu tư có giá trị nhất của Thaiholdings là 1.244 tỷ đồng vào LPB của Ngân hàng TMCP Buu điện Liên Việt (LienVietPostBank), tương đương 41,5 triệu cổ phiếu LPB, tính theo giá chốt phiên 30/6/2021.

Cần lưu ý rằng, đây là số lượng cổ phần tại báo cáo tài chính hợp nhất, do Thaiholdings cùng các công ty con sở hữu. Báo cáo tài chính công ty mẹ thể hiện Thaiholding trực tiếp nắm 17,1 triệu cổ phiếu LPB tới cuối tháng 6/2021. Con số này đã tăng thêm 2,9 triệu cổ phần ở thời điểm hiện tại, sau khi Thaiholdings công bố hoàn tất mua theo đăng ký 20 triệu cổ phần LPB từ 29/6 – 5/7 vừa qua.

Tính tới cuối tháng 6, Thaiholdings (hợp nhất) cùng ông Nguyễn Đức Thuỵ (30,6 triệu CP) và người có liên quan sở hữu tới 74 triệu cổ phần LPB, tương đương gần 7% vốn, và là nhóm cổ đông lớn ở LienVietPostBank. Việc không công bố thông tin về diễn biến trở thành nhóm cổ đông lớn là vấn đề đáng lưu tâm đối với nhà đầu tư LPB.

Ông Nguyễn Đức Thuỵ được bầu vào HĐQT LienVietPostBank trong ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 5/2021, rồi tiếp tục được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT nhà băng này. Tuy nhiên việc Thaiholdings xếp 41,5 triệu cổ phiếu vào danh mục “Chứng khoán kinh doanh”, cùng với động thái vay hơn nửa nghìn tỷ margin từ các công ty chứng khoán cho thấy vị thế đầu tư tài chính của vị doanh nhân gốc Ninh Bình với hàng chục triệu cổ phiếu LPB, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Còn nếu muốn trở thành nhà đầu tư lớn, dài hạn và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tại LienVietPostBank, Thaiholdings cùng bầu Thuỵ sẽ phải “thịt hoá” nguồn tiền, tức là dùng tiền tươi thóc thật, có nguồn rõ ràng, không vay mượn để đầu tư vào LPB.

Mối quan hệ nghìn tỷ với SHB

Dù đầu tư lớn vào LienVietPostBank, song Thaiholdings lại có mối liên hệ rất mật thiết với một nhà băng khác, là SHB của “bầu” Hiển.

Không chỉ dừng ở việc SHS cấp 300 tỷ margin để Thaiholdings mua cổ phần LPB, mà trực tiếp SHB còn là nhà tài trợ lớn nhất, chiếm tới 2.570 tỷ đồng, tương đương 80% vay nợ ngân hàng của Thaiholdings cùng các công ty con (chủ yếu là Thaigroup). Số tiền khổng lồ này cũng chiếm tới 13% vốn điều lệ của SHB tới cuối quý II/2021.

Ngoại trừ khoản vay 313 tỷ đồng từ năm 2017 với Thaigroup, thì 2.257 tỷ đồng còn lại của SHB được ký hợp đồng cho Công ty Tôn Đản (công ty con của Thaiholdings) vay trong năm ngoái, mục đích để tài trợ cho dự án Thaiholdings Tower tại 17 Tông Đản, Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội, gồm 454 tỷ đồng vay ngắn hạn và 1.803 tỷ đồng vay dài hạn.

Với khoản vay dài hạn, SHB vào tháng 5/2020 đã ký 2 hợp đồng tín dụng, cho Tôn Đản vay 1.300 tỷ đồng kỳ hạn đến năm 2033, và 645 tỷ đồng kỳ hạn 300 tháng (25 năm); dư nợ tới cuối tháng 6/2021 là 1.803 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính hợp nhất cho thấy Thaiholdings đang đang “gửi” cả nghìn tỷ đồng cho nhiều cá nhân, tổ chức. Đó là khoản phải thu 575 tỷ đồng với 2 cá nhân liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh/ hợp tác đầu tư; cho vay 442,8 tỷ đồng với 3 cá nhân cùng các pháp nhân Công ty TNHH Linkgroup, Công ty TNHH Xây dựng Vinakanto. Các khoản vay này có lãi suất từ 3,7 – 8%, không có tài sản đảm bảo.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2021 hồi tháng 5, cổ đông Thaiholdings đã thông qua kế hoạch tăng vốn thêm 3.300 tỷ đồng, từ mức 3.500 tỷ đồng hiện nay, với phương thức phát hành cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/CP. Số tiền thu về sẽ được dùng để mua thêm cổ phần Thaigroup, CTCP Thailand và CTCP Enclave Phú Quốc.

Cổ phiếu THD chốt phiên 13/8 ở mức cao nhất lịch sử: 212.100 đồng/CP, và cũng là một trong những mã chứng khoán có thị giá cao nhất Việt Nam. Giá trị vốn hoá của THD hiện đạt 74.200 tỷ đồng, tương đương 3,2 tỷ USD.

Ở diễn biến liên quan, Thaiholdings cùng Tập đoàn Xuân Thành ngày 10/8 vừa qua đã trực tiếp làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long với nội dung ủng hộ thêm 100 tỷ đồng cho việc nhập khẩu thuốc RonaPreve của Tập đoàn Roche (Mỹ).

Theo Thaiholdings, thuốc RonaPreve có nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa nguy cơ tiến triển nặng nguy kịch trên bệnh nhân COVID-19, từ đó làm giảm áp lực cho hệ thống y tế, đặc biệt ở các tầng điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch (tương đương tầng 4 và 5 trong tháp điều trị bệnh nhân COVID-19), giúp làm giảm tỷ lệ tử vong và tiết kiệm ngân sách cho các chi phí điều trị bệnh nhân nặng nguy kịch.