26/12/2024

Jeff Bezos từng chia sẻ với cựu Giám đốc điều hành Twitter, Dick Costolo rằng, một nhà lãnh đạo giỏi phải biết tin tưởng vào trực giác của mình. Và cho đến thời điểm hiện tại, Costolo vẫn luôn nhắn nhủ với Giám đốc điều hành mới nhất của Twitter về lời khuyên này của Jeff, và luôn dặn dò anh ta rằng, đừng bao giờ quên những lời vàng ngọc đó!

Ngay sau khi Costolo tiếp nhận chức vụ Giám đốc điều hành của Twitter, vào năm 2010, ông đã tập hợp đội ngũ của mình để lập chiến lược hợp tác cùng với Jeff Bezos, nhà đầu tư tỷ phú, nhà sáng lập của Amazon. Jeff cũng chính là người đã mua lại cổ phần của công ty này 2 năm trước đó. Trong một cuộc họp, Bezos đã nói với Costolo rằng, hãy thay đổi cách vận hành của công ty này và đừng đi theo “vết xe đổ” của những nhà điều hành trước đó.

Trong một chương trình podcast của New York Times Opinion gần đây, Costolo đã chia sẻ với Kara Swisher, người dẫn chương trình rằng: “Trong buổi họp ngày hôm đó, Jeff đã nhìn mọi người và nói rằng, các bạn cần nhớ là chúng ta có nhiều cách để có thể đạt được thành công. Hãy thay đổi đi! Việc bạn cố gắng để đọc những cuốn sách nói về cách điều hành doanh nghiệp hoặc tìm hiểu về tiểu sử của một nhà quản trị nào đó, sẽ chẳng thể giúp ích được gì cho bạn, ngoài việc chỉ gây thêm sự khốn khổ cho chính bạn và mọi người xung quanh mà thôi!”

Ở đây, Jeff Bezos không có ý phê phán gì đối với người tiền nhiệm của Costolo, Evan Williams cả. Ông ta chỉ đang muốn nói với Costolo rằng, hãy thay đổi cách điều hành công ty này và hãy dẫn dắt nền tảng truyền thông xã hội theo cách của riêng mình. Costolo kể lại, Bezos đã giải thích rằng cách mà ông tiếp cận hoạt động kinh doanh của mình hoàn toàn khác biệt so với nhà điều hành Steve Jobs của công ty Apple, người có những sự chọn lọc rất khắt khe về những dự án mà ông ta tham gia. Ngược lại, Jeff là người luôn “thích dấn thân vào tất cả mọi thứ” và thường trò chuyện với đội ngũ nhân lực của mình về những ý tưởng kinh doanh mới.

Câu chuyện này có ý nghĩa như một lời khuyên mà Costolo muốn chuyển đến tân Giám đốc điều hành của Twitter, Parag Agrawal, người đã tiếp quản quyền lực từ người sáng lập Jack Dorsey, vào tháng 11. Costolo cho biết, nếu Agrawal làm theo lời khuyên của Bezos, “hãy luôn là chính mình” và làm mọi việc theo phong cách riêng của anh ta, thì “công việc của anh ta sẽ hoàn toàn ổn định”.

Lời khuyên này của Bezos được đúc kết dựa trên những kinh nghiệm xương máu của chính bản thân ông. Bezos đã trở thành một trong những người giàu nhất thế giới bằng cách “làm mọi thứ theo cách riêng của ông ta”. Ông đã từ bỏ công việc tại một ngân hàng đầu tư vào năm 1994 để thành lập Amazon, một cửa hàng sách ảo. Giờ đây, giá trị thị trường của “gã khổng lồ thương mại điện tử” này đang dao động ở mức 1,49 nghìn tỷ USD. Nhà sáng lập của Amazon đã duy trì thành công của mình bằng cách chấp nhận những rủi ro trong việc triển khai các dự án mới như tung ra ứng dụng Amazon Prime, cho ra mắt máy đọc sách điện tử Kindle và mua lại cả một chuỗi siêu thị Whole Foods của Mỹ…

Tại hội nghị Re: Mars của Amazon vào năm 2019, Jeff đã phát biểu như sau: “Nếu bạn nảy ra một ý tưởng kinh doanh và nó hoàn toàn không có bất kỳ rủi ro nào… thì có lẽ nó đã được thực hiện bởi những người khác rồi…và họ đang làm nó rất tốt. Vì vậy, bạn phải thử làm một điều gì đó khác biệt hơn. Bạn phải chấp nhận rằng, doanh nghiệp của bạn sẽ phải thử nghiệm rất nhiều những thứ mới mẻ khác và đồng nghĩa với việc này là nó cũng có thể sẽ gặp phải rất nhiều thất bại”. Cụ thể, vào năm 2014, Amazon đã phải chịu khoản phí lên đến 170 triệu USD cho những chiếc Điện thoại Fire Phone chưa bán được. Công ty này cũng đã phải đóng cửa hơn 87 kiot trong các khu trung tâm thương mại và dừng cung cấp dịch vụ giao hàng tại hệ thống nhà hàng của họ, vào năm 2019. Gần đây nhất, vào tháng 2 năm 2021, Amazon đã bị bang New York khởi kiện vì “coi thường các Quy định về sức khỏe và an toàn lao động” trong một số kho hàng của họ, trong thời gian diễn ra đại dịch Covid-19.

Tuy vậy đối với Bezos mà nói, rủi ro chỉ là cái giá phải trả của sự thành công mà thôi! Bezos cho biết: “Chúng ta cần phải chấp nhận những sự thất bại to lớn nếu chúng ta muốn đạt được những kết quả thật sự khác biệt và có giá trị, thậm chí là phải đánh đổi bằng hàng tỷ USD. Để đi đến thành công, bạn phải thử nghiệm và sẽ chẳng có thứ gì gọi là thử nghiệm nếu bạn biết trước nó sẽ thành công”.