Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ vay vốn lớn diễn ra trong năm 2021. Giới banker đang kỳ vọng đà tăng này sẽ tiếp tục vào năm 2022, theo Global Capital.
Những công ty Việt Nam đã huy động tổng cộng 24 thương vụ từ thị trường nước ngoài với giá trị 5,36 tỷ USD tính đến giữa tháng 12. Đây là bước nhảy vọt về khối lượng so với 20 thương vụ, tổng giá trị 2,77 tỷ USD vào năm ngoái (theo dữ liệu của Dealogic).
Sự gia tăng này đến từ việc một số công ty chứng khoán lần đầu khai thác thị trường vay nợ. Khối lượng cũng được thúc đẩy nhờ sự trở lại thị trường của Vietinbank với hai giao dịch tổng giá trị 1,79 tỷ USD.
Ngoài ra, Tập đoàn Vingroup và công ty con VinFast đang tiến hành một khoản vay hợp vốn trị giá 400 triệu USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 1/2022.
Các ngân hàng cho vay đang kỳ vọng Việt Nam sẽ có một năm khởi sắc nữa vào năm 2022 – nhưng sẽ có sự thay đổi về loại hình người đi vay dự kiến sẽ được tung ra thị trường.
Nhiều công ty chứng khoán đã huy động vốn từ vay vốn quốc tế lần đầu tiên trong năm nay. Trong khi các công ty chứng khoán như VNDirect và Techcom Securities đã thực hiện tới hai thương vụ trong chưa đầy một năm.
Do vậy mà các ngân hàng đang chuyển trọng tâm của họ sang các tổ chức tài chính một cách mạnh mẽ hơn – một lĩnh vực có nhu cầu cấp vốn lớn và được các nhà cho vay hoan nghênh.
Sau khi bị ảnh hưởng nặng của làn sóng dịch bệnh trong quý 3, GDP quý 4/2021 của Việt Nam được dự báo sẽ phục hồi trở lại.
Với việc nền kinh tế tiếp tục phát triển, nhiều công ty sẽ huy động vốn phục vụ mở rộng quy mô. Tuy nhiên, chỉ cố một số tập đoàn lớn của Việt Nam có thể tiếp cận thị trường nước ngoài, trong khi các doanh nghiệp nhỏ hơn có xu hướng dựa vào các ngân hàng trong nước.
Điều này có nghĩa là sẽ có nhiều giao dịch hơn từ các tổ chức tài chính (FIs), các banker nêu quan điểm.
“Các công ty có quy mô nhỏ hơn sẽ khó khai thác thị trường cho vay nước ngoài và họ chỉ có thể vay từ các công ty tài chính trong nước. Vì vậy, các FI lớn sẽ vay từ nước ngoài với mục đích cho vay lại, ví như Vietinbank”, một chuyên viên ngân hàng cấp cao cho biết.
Đầu năm 2020, một số nhà đầu tư tỏ ra lo ngại về việc các công ty chứng khoán Việt Nam cạnh tranh nhau về thanh khoản. Một vấn đề đau đầu nữa đến từ các ngân hàng Đài Loan, vốn từ lâu là một nguồn thanh khoản quan trọng cho các giao dịch, nhiều trong số đó đã đạt đến giới hạn cho vay của quốc gia hoặc lĩnh vực của họ.
May mắn thay, nhiều người tin rằng tình hình sẽ tốt hơn trong năm tới khi có nguồn ngân sách mới.
“Nó không giống như các ngân hàng Đài Loan đã hoàn toàn ngừng cho vay, mà giống như một khoảng thời gian tạm dừng ngắn hạn trong hai tháng và các ngân hàng sẽ bắt đầu xem xét các giao dịch vào năm tới khi họ có nguồn ngân sách mới”, một chủ ngân hàng đài loan cho biết.
“Không có nhiều giao dịch từ Indonesia, Thái Lan hoặc Philippines, vì vậy nhiều bên đã tăng giới hạn quốc gia của họ đối với Việt Nam”.
Ngoài ra, các bên cho vay từ các quốc gia khác, bao gồm Trung Đông, Thái Lan, Hàn Quốc và Ấn Độ, đã thể hiện sự ủng hộ với các thương vụ của Việt Nam. Khoản 1 tỷ USD của Vietinbank thu hút được Emirates NBD và Ngân hàng Quốc gia Kuwait. Khoản 200 triệu USD của VPBank Finance có Ngân hàng Baroda và Kasikornbank đảm nhân vai trò dựng sổ.
Trong khi một số bên tham gia chỉ thoải mái cho vay các tổ chức tài chính, sự hiện diện của các tổ chức cho vay đa dạng đã giúp giải toả lo ngại về tình trạng thiếu thanh khoản – mở đường cho một năm 2022 mạnh mẽ cho các khoản vay của Việt Nam.