05/01/2025

Hoạt động mua bán – sáp nhập (M&A) của Việt Nam dự kiến sẽ có thêm một năm thành công sau 2020. Trong 3 quý đầu năm, các thương vụ M&A được công bố trị giá 3 tỷ USD. Trong quý cuối năm, giá trị các thương vụ M&A đang trên đà vượt ngưỡng 3,9 tỷ USD của năm ngoái.

Số lượng giao dịch trong năm 2020 đạt mức cao kỷ lục (kể từ năm 2006). Đà tăng tiếp tục được kéo dài trong 3 quý đầu năm 2021, tổng cộng đã có 41 giao dịch được công bố.

Kết quả này phần lớn đến từ sự tích cực của quý 2. Số lượng giao dịch trong quý này đạt con số 19, cao kỷ lục, theo Mergermarket. Trong khi đó, giá trị giao dịch hàng quý là 2,5 tỷ USD, chỉ xếp sau mức 5,2 tỷ USD của quý 4/2017 (thời điểm diễn ra thương vụ ThaiBev mua cổ phần Sabeco).

Tài chính tiêu dùng thúc đẩy các giao dịch

Theo xu hướng của năm 2020, hoạt động tiếp tục được trải dài trên nhiều lĩnh vực, thể hiện sự đa dạng trong nền kinh tế Việt Nam. Thương vụ lớn nhất trong năm trị giá 1,4 tỷ USD là Công ty Tài chính Tiêu dùng SMBC mua lại 49% cổ phần FE Credit. Thương vụ này là một phần trong động thái của Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) nhằm tìm kiếm cơ hội phát triển tại thị trường châu Á, với FE Credit nắm khoảng 50% thị phần tài chính tiêu dùng đang phát triển nhanh của Việt Nam.

Một thương vụ khác ngắm vào ngành tài chính tiêu dùng là Ayudhya của Thái Lan mua lại SHB Finance trị giá 69 triệu USD từ Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB). Thỏa thuận này sẽ cho phép công ty cho vay Thái tiếp cận với khoảng 200.000 khách hàng của SHB, giúp mở rộng sự hiện diện của SHB tại khu vực Đông Nam Á.

Nhờ các thương vụ này, lĩnh vực dịch vụ tài chính thu hút giá trị giao dịch lớn nhất trong 3 quý đầu năm với tổng cộng 1,5 tỷ USD được ghi nhận.