05/01/2025

Theo thông báo của Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) hơn 1,17 tỷ cổ phiếu MSB sẽ chính thức giao dịch trên HSX từ ngày 23/12/2020 với giá tham chiếu là 15.000 đồng/cổ phiếu. Biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.

Dự kiến lợi nhuận năm nay khoảng 2.300 – 2.400 tỷ đồng

Chia sẻ tại buổi đối thoại với nhà đầu tư chiều 16/12, ông Nguyễn Hoàng Linh, Thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm Tổng giám đốc MSB cho biết, năm 2020 ngân hàng dự kiến đạt lợi nhuận trước thuế 2.300 – 2.400 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch.

Đối với MSB, có 7 điểm cần quan tâm, theo ông Linh, đó là: (1) ngân hàng có quá trình dài kiên định với chiến lược đã đặt ra; (2) quy mô mạng lưới đã trải dài 51 tỉnh, thành với 263 chi nhánh, phòng giao dịch; (3) mô hình quản lý bank in bank; (4) là một trong những ngân hàng hoàn thành sớm Basel II và tiến tới Basel III; (5) là ngôi sao phát triển banca (bảo hiểm liên kết với ngân hàng), với tháng gần nhất banca đạt 54 tỷ đồng doanh thu phí/tháng, hiện ngân hàng đang lựa chọn, đàm phán với đối tác chiến lược, dự kiến sẽ ký hợp đồng độc quyền trong quý 1 và khi ấy sẽ có một khoản thu nhập lớn ghi nhận vào lợi nhuận; (6) MSB cũng rất chú trọng số hoá, chạy song song với ngân hàng truyền thống; (7) tập trung vào thị trường bán lẻ và doanh nghiệp SME.

Nhìn lại hoạt động của Ngân hàng Hàng Hải, trong giai đoạn 2016 – 2019 tổng tài sản đã tăng trưởng 19,2%; tỷ lệ CASA luôn ở mức cao (9 tháng đầu năm nay trên đạt 22%) góp phần giúp hoạt động thuận lợi hơn và có lợi hơn khi phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn; tăng trưởng huy động cũng cao dù ngân hàng không nằm trong nhóm đua lãi suất cao, thậm chí là luôn thấp hơn mức trung bình thị trường; dư nợ cho vay tăng tốt và trải đều ở các mảng, trong đó tập trung vào các khoản vay có tài sản đảm bảo để phòng ngừa rủi ro. Lợi nhuận của MSB chủ yếu đến từ các phần ngân hàng lõi, tăng đều qua các năm, trong 11 tháng đầu năm nay đã đạt hơn 2.300 tỷ đồng.

Nhà đầu tư quan tâm gì ở MSB?

Nhà đầu tư hỏi về chiến lược của MSB thời gian tới sẽ đặt trọng tâm vào mảng gì và lấy gì để cạnh tranh với các ngân hàng khác, bà Đinh Thị Tố Uyên, Giám đốc chiến lược MSB cho biết ngân hàng đang tập trung vào bán lẻ và doanh nghiệp SME, thời gian tới sẽ đẩy mạnh thêm số hoá. Mục tiêu của ngân hàng trong 3 năm tới là khách hàng từ mảng số sẽ chiếm 30%; các khách hàng mục tiêu sẽ sử dụng bình quân 3,5 – 4 sản phẩm; giảm tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) từ 47% xuống 43%; mảng bán lẻ sẽ đóng góp khoảng 2.000 tỷ đồng vào lợi nhuận…

Bà Nguyễn Hương Loan, Phó Tổng giám đốc MSB bổ sung thêm, ngân hàng đang có thế mạnh ở mảng trái phiếu Chính phủ, là 1 trong những ngân hàng nằm trong top đầu về doanh số giao dịch, là nhà tạo lập thị trường tốt nhất; cũng là ngân hàng thuộc nhóm có dịch vụ tốt nhất trên thị trường liên ngân hàng với các sản phẩm, dịch vụ tài chính, nguồn vốn đa dạng. Thời gian tới các mảng này sẽ tiếp tục được duy trì phát triển.

Việc bán công ty con FCCOM thì thế nào? Ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng giám đốc cho biết, hiện MSB mở cả 2 khả năng, một là bán công ty FCCOM 100% cho đối tác nếu họ chiến lược của họ muốn sở hữu toàn bộ, và phương án hai là chia sẻ 50- 50 với nhà đầu tư để triển khai tài chính tiêu dùng, trong đó ngân hàng sẽ cung cấp đảm bảo về thanh khoản, hệ thống IT, hệ thống khách hàng hiện có để vận hành.

Cho vay bất động sản của MSB hiện nay ra sao? Ông Linh cho biết, tỷ trọng cho vay bất động sản chiếm 23% trong tổng dư nợ giai đoạn 2019 trở về trước, đến cuối năm 2020 dự kiến còn 13% do giải ngân trong các lĩnh vực cuối năm sẽ tập trung vào cho vay năng lượng, sản xuất kinh doanh…

Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm đến việc ký kết độc quyền bảo hiểm tại MSB. Trả lời các câu hỏi, ông Nguyễn Hoàng Linh cho biết, kỳ vọng mức trả upfront (phí trả cho các hợp đồng hợp tác độc quyền với ngân hàng trong năm đầu tiên) cho ngân hàng sẽ hợp lý. “Hiện doanh thu phí bảo hiểm ở MSB hàng tháng là 50 tỷ đồng, kém 30 tỷ so với của ACB nên kỳ vọng con số thu về cũng tương đối”.

Về tiêu chí chọn đối tác ra sao, Tổng giám đốc MSB cho biết, sẽ chọn trong top 3 về bảo hiểm ở Việt Nam (Manulife, Prudential, Dai-ichi), đó phải là đối tác có kinh nghiệm về banca và phù hợp thị trường Việt Nam. Mức phí mà công ty bảo hiểm chia sẻ với ngân hàng phải cạnh tranh với thị trường và có mức phí upfront hợp lý, phù hợp chiến lược của ngân hàng bởi đó là “cuộc hôn nhân 15 năm”.