28/12/2024

Chỉ số hàng tháng về hoạt động công nghiệp, tiêu dùng và đầu tư đều cho thấy tốc độ tăng trưởng giảm nhanh hơn dự kiến và giảm so với tháng 6. 2 yếu tố đóng góp lớn vào GDP Trung Quốc gồm sản xuất công nghiệp tăng 6,4% và đầu tư trái phiếu tăng 10,3% so với 1 năm trước. Những con số này đều thấp hơn so với ước tính và đánh dấu bước thụt lùi so với tháng trước.

Bức tranh kinh tế còn u ám hơn đối với lĩnh vực tiêu dùng nội địa, vốn đóng góp lớn vào GDP. Doanh số bán lẻ tháng 7 tăng 8,5% so với 1 năm trước, trong khi tháng 6 đạt mức 12,1%. Ngoài ra, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị của Trung Quốc tăng 5,1% từ mức 5,0% vào tháng trước.

Số liệu kinh tế mới được công bố trong bối cảnh nhiều nhà kinh tế và công ty nghiên cứu bắt đầu hạ kỳ vọng tăng trưởng đối với Trung Quốc, khi nhiều dấu hiệu cho thấy đà hồi phục đang giảm tốc cùng với mối lo ngại về tác động của các quy định hạn chế nhằm chống dịch.

Fu Linghui – phát ngôn viên của Cục Thống kê Trung Quốc, cho biết: “Tăng trưởng của một số lĩnh vực tiêu dùng và dịch vụ đã chậm lại, đặc biệt là ở các khu vực miền trung Trung Quốc chịu ảnh hưởng bởi lũ lụt.” Ông cảnh báo rằng, đà tăng trưởng nửa cuối năm có thể thấp hơn so với 6 tháng đầu năm.

Trong những tuần gần đây, Goldman Sachs, Morgan Stanley và Nomura cùng các ngân hàng đầu tư lớn khác đã hạ dự báo tăng trưởng năm nay đối với Trung Quốc. Ước tính, GDP sẽ giảm xuống khoảng 8,2% hoặc 8,3% so với các ước tính trước đó là 8,6-8,9%.

Hiện tại, quan điểm của các nhà kinh tế vẫn bị chia rẽ về việc liệu các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc có đưa ra những biện pháp hỗ trợ nền kinh tế hay không. Dù ghi nhận số liệu gây thất vọng, nhưng dự kiến Trung Quốc vẫn đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 6% trở lên. Trong nửa đầu năm 2021, GDP của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng trưởng 12,7% so với cùng kỳ năm trước.

Một câu hỏi quan trọng ở thời điểm hiện tại là, giới chức Trung Quốc có thể kiểm soát sự bùng phát của biến thể Delta nhanh chóng như thế nào. Một cảng lớn của nước này đã phải đóng cửa và hoạt động di chuyển khắp cả nước cũng bị hạn chế khi biến thể mới xuất hiện khoảng 1 tháng trước.

Dù số ca nhiễm tại Trung Quốc đang trong xu hướng giảm, nhưng tác động đối với lĩnh vực bán lẻ sẽ trở nên rõ ràng hơn vào tháng 8 – thời điểm quan trọng đối với chi tiêu cho du lịch. Sau một loạt các đợt bùng phát, các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, du lịch và vận tải của Trung Quốc có thể sẽ phải đối mặt với “cơn sóng” giãn cách khác cùng những quy định kiểm dịch nghiêm ngặt hơn.

Lucas Liu – một nhân viên kế toán làm việc tại Bắc Kinh, đã hủy chuyến du lịch vào tháng 8 do biến thể Delta lây lan. Dù giới chức chưa hạn chế người dân di chuyển ra khỏi thành phố, nhưng Liu lo ngại nếu đến một thành phố có ca nhiễm, anh sẽ bị kẹt lại ở đó.

Dọc theo khu vực bờ biển vốn phụ thuộc vào xuất khẩu, các đợt bùng phát gần đây đã khiến những công ty như Senyuan Furniture Group – hãng sản xuất đồ nội thất cao cấp, gặp khó khăn trong việc phục vụ khách hàng hiện tại và tìm kiếm khách hàng mới.

Wei Wei – người xử lý các đơn hàng cho khách nước ngoài của hãng, cho biết việc công ty phụ thuộc vào hoạt động đến thăm trực tiếp của khách hàng đã khiến họ chịu ảnh hưởng lớn, bởi hoạt động di chuyển nước ngoài vẫn bị hạn chế.

Theo Iris Pang – nhà kinh tế học tại ING Bank, một yếu tố khác gây áp lực cho chi tiêu tiêu dùng có thể là mối lo ngại về cuộc trấn áp của Trung Quốc đối với ngành công nghệ và giao dịch tư nhân – đã khiến nhiều người mất việc. Bà đã hạ dự báo tăng trưởng GDP quý III từ 5,5% xuống 4,5%.

Pang cho hay: “Dù số lượng nhân sự bị sa thải không lớn, nhưng tâm lý tiêu cực có thể lan rộng sang những người khác. Họ lo ngại về tương lai của sự nghiệp và thận trọng hơn đối với chi tiêu.”

Tham khảo Wall Street Journal