25/12/2024

Chuyển đổi mạnh mẽ – bứt phá toàn diện

Với doanh thu thuần hơn 802,2 tỷ đồng, hoàn thành 111,1% kế hoạch năm, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 31,2 tỷ đồng, hoàn thành 124,8% kế hoạch năm, năm 2020 ghi nhận chuyển biến rõ của CTCP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử – Viễn thông (ELCOM – mã CK: ELC) ở trên cả 3 mảng kinh doanh chính là Viễn thông, Giao thông thông minh và An ninh Quốc phòng.

Trong khi mảng An ninh Quốc phòng vẫn giữ vững vị thế đầu tàu, đóng góp 30 – 35% tổng doanh thu mỗi năm thì sự trở lại của mảng dịch vụ viễn thông truyền thống mang đậm dấu ấn mới của đội ngũ lãnh đạo trẻ ELCOM với sự thấu hiểu thị trường và nhạy bén với các chuyển đổi của CNTT – viễn thông, từ đó tạo ra sự khác biệt mới cho doanh nghiệp công nghệ này.

Các nhà mạng tiếp tục chi hàng chục nghìn tỷ đồng cho chuyển đổi và thay thế hệ thống từ 4G sang 4G TDD, 5G, MEC, …và đầu tư thêm vào các hệ thống giá trị gia tăng, hệ thống lõi để cung cấp thêm các dịch vụ trải nghiệm cho khách hàng sử dụng, ELCOM tiếp tục nắm giữ lợi thế khi đã tham gia mảng này từ rất lâu cùng với các nhà mạng lớn Viettel, Vinaphone, Mobiphone, và chiếm thị phần lớn so với các đối thủ khác.

Trong năm 2020, bên cạnh các giải pháp sản phẩm truyền thống như hệ thống SMPP GW, hệ thống CRBT, hệ thống MCA, dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật công nghệ cao,…ELCOM cũng khá nhanh chân trong việc bám sát các nhà mạng để cung cấp các giải pháp lõi về IoT, eSIM, AR/VR và các dịch vụ chuyển đổi số mới. Tại ĐHCĐ năm 2021 vừa diễn ra, ông Phạm Minh Thắng – Tổng Giám đốc ELCOM cho biết, ELCOM hiện nay không chỉ trưởng thành hơn về tư duy quản trị, tầm nhìn thị trường mà còn thể hiện chiều sâu trong phát triển công nghệ, kỹ thuật, đặc biệt năng lực cạnh tranh cốt lõi trong từng sản phẩm “Made by ELCOM”.

Định vị vị thế hàng đầu

“Tương lai của nền kinh tế số là kinh tế nền tảng. Đó cũng là lý do ELCOM liên tục nghiên cứu và đưa ra các sản phẩm nền tảng về IoT, Big Data, nền tảng cho doanh nghiệp, giáo dục, y tế, và đặc biệt là giao thông thông minh” ông Thắng nói và cho biết thêm, trong năm 2020, tiếp đà của 2019, mảng Giao thông thông minh đã được ELCOM tiếp tục mở rộng và triển khai các dự án cung cấp các giải pháp sản phẩm về thu phí (ETC, MTC, Giám sát xử phạt giao thông, …) ở hàng loạt các trạm, trên khắp các quốc lộ trải dài từ Nam tới Bắc.

ELCOM đã ký 2 trong số những hợp đồng công nghệ về giao thông thuộc tuyến đường này đầu tiên trị giá khoảng 250 tỷ đồng/hợp đồng, dự kiến triển khai trong quý 3 – 4/2021 sắp tới. Đồng thời, công ty cũng tham gia vào cung cấp các sản phẩm ITS cao tốc, nội đô với 3 dự án đầu tiên ở các tỉnh Quảng Ninh, Yên Bái, Thanh Hóa từ cuối 2020. Các dự án này là tiền đề để ELCOM tiếp tục triển khai các dự án về sau do nhu cầu về thành phố thông minh đang rất lớn.

Việc đi trước trong phát triển các sản phẩm chiến lược đón xu thế mới trong giao thông thông minh như giám sát an ninh trật tự, giám sát an ninh xử phạt, Giải pháp điều hành cao tốc (ITS cao tốc), Giải pháp điều hành nội đô (ITS nội đô), …giúp ELCOM có lợi thế trong việc cạnh tranh với các đối thủ.

Từ năm 2019, việc Chính phủ mở rộng chính sách tài khóa và tăng chi tiêu công vào các giải pháp công nghệ để thúc đẩy phát triển đô thị thông minh và bền vững theo Nghị quyết 52/NQ-TW tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội địa có sản phẩm “Made in Vietnam” như ELCOM tiếp cận nhiều hơn các gói thầu thường niên về công nghệ từ các dự án đầu tư công.

“Các giải pháp tiên tiến ELCOM thể hiện thế mạnh trong việc tối ưu của các thiết bị truyền thông, CNTT và viễn thông làm cho vai trò của con người trong việc điều hành giao thông giảm đi đáng kể mà vẫn đảm bảo tính an toàn” ông Thắng chia sẻ và nhấn mạnh thêm, không chỉ các hệ thống giao thông công cộng, một số dự án khu đô thị sinh thái quy mô lớn cũng đang áp dụng các giải pháp công nghệ thông minh của ELCOM vào quản lý vận hành.

Được biết, trong chiến lược mới được thông qua tại ĐHCĐ vừa qua, ELCOM đặt mục tiêu 2021 tăng trưởng doanh thu 14% và lợi nhuận sau thuế 25% so với cùng kỳ.

Trong đó, ngoài việc duy trì tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của các mảng kinh doanh chính từ 20%-25% so với năm 2020 (mảng B1: khách hàng là doanh nghiệp lớn, nhà mạng và các doanh nghiệp có sử dụng vốn Nhà nước), Ban lãnh đạo công ty kỳ vọng cơ cấu doanh thu, lợi nhuận sẽ dịch chuyển do có thêm sự đóng góp của dòng sản phẩm CNTT chuyển đổi số (B2) và dịch vụ trực tuyến (B3).