07/01/2025

Nền kinh tế số Việt Nam được dự đoán đạt 43 tỷ USD vào năm 2025. Những người trẻ tuổi đang rất hào hứng sử dụng phương thức thanh toán không tiền mặt thông qua các ứng dụng ví điện tử, mã QR, và các dịch vụ mới của các fintech.

Tuy nhiên, không phải toàn bộ dân số đều có thể bắt kịp với tốc độ phát triển nhanh chóng này. Việt Nam hiện vẫn có mức độ tài chính toàn diện chính thức thấp, với 70% người trưởng thành có tài khoản ngân hàng trong năm 2020 nhưng gần 1 nửa trong số đó không tiếp cận được với tín dụng. Thêm vào đó, người dân ở các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những người sống dưới mức nghèo, vẫn đang thiếu các dịch vụ kết nối internet thiết yếu.

Tăng cường tài chính toàn diện được coi là giải pháp chung trên toàn cầu trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, giảm bất bình đẳng thu nhập và xóa đói giảm nghèo. Để đạt được mục tiêu này, vào đầu năm 2020, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, trong đó có mục tiêu đầy tham vọng là đến cuối 2025 có ít nhất 80% người trưởng thành có tài khoản giao dịch tại ngân hàng và các tổ chức dịch vụ tài chính được cấp phép khác. Chiến lược này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho mọi cá nhân và doanh nghiệp, đặc biệt là những người có thu nhập thấp, sống ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính cơ bản phù hợp, như dịch vụ thanh toán, chuyển tiền, tài khoản tiết kiệm và tín dụng.

Các yếu tố thúc đẩy tài chính toàn diện

Một trong những yếu tố chính thúc đẩy tài chính toàn diện trên khắp Đông Nam Á là sự thay đổi nhanh chóng, và những giải pháp công nghệ sáng tạo trong lĩnh vực dịch vụ tài chính.

Ngân hàng số đang là mảnh đất đầy tiềm năng tại Việt Nam, bằng chứng là giao dịch không dùng tiền mặt đã tăng 75,2% trong 9 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm trước. Mua sắm trực tuyến cũng đã tăng trưởng theo cấp số nhân, được thúc đẩy bởi đại dịch COVID-19, Việt Nam hiện đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á về số lượt truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến trong quý 2 năm 2020.

Chính phủ và các cơ quan quản lý của Việt Nam cũng tạo ra những động lực đáng kể trong việc thay đổi mức độ tài chính toàn diện trong nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong tháng trước đã phê duyệt triển khai thí điểm Mobile Money trong hai năm, cho phép mọi người thanh toán các giao dịch nội địa giá trị thấp thông qua điện thoại di động, chắc chắn sẽ kích thích nền kinh tế không dùng tiền mặt hơn nữa và nâng cao khả năng tài chính cho hàng triệu người.

Ngân hàng điện toán đám mây: nhanh hơn và tốn ít chi phí hơn

Vào năm 2020, một ngân hàng TMCP lớn đã chính tức cho ra mắt ngân hàng số tiên phong của Việt Nam, TNEX, đặc biệt nhắm mục tiêu đến thị trường giới trẻ thuộc thế hệ Millennial (sinh năm 1980 đến năm 1994) và Gen Z (sinh năm 1995 đến năm 2010 – Dân số Gen Z của Việt Nam dự kiến sẽ đạt 15 triệu người vào năm 2025). TNEX đem đến cuộc sống đơn giản hơn cho người sử dụng bằng cách tích hợp tất cả các nhu cầu tài chính của họ vào một ứng dụng.

Công nghệ ngân hàng điện toán đám mây được TNEX sử dụng giúp tiết kiệm thời gian triển khai, tốn ít chi phí hơn đáng kể và cho phép đưa các dịch vụ ra thị trường nhanh chóng, với các sản phẩm mới được tung ra chỉ trong vài tuần, thay vì nhiều năm mà công nghệ ngân hàng lõi truyền thống yêu cầu. Điều này có nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ tài chính có thể thu hút được lượng khách hàng lớn hơn, đặc biệt là những phân khúc khách hàng vốn đã bị loại trừ khỏi các dịch vụ tài chính chính thức theo truyền thống.

Đổi mới sáng tạo để thúc đẩy tài chính toàn diện

Các sản phẩm tài chính mới trên nền tảng điện toán đám mây do các công ty fintech và ngân hàng cung cấp đang cách mạng hóa các dịch vụ tài chính tại Việt Nam. Việc không yêu cầu người sử dụng trực tiếp đến chi nhánh để đăng ký, thay vào đó, cung cấp các sản phẩm ngân hàng thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh giúp ngân hàng số ngày càng được ưa chuộng hơn, đặc biệt là thế hệ Millennial và Gen-Z. Tiếp tục tăng trưởng trong áp dụng các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng điện toán đám mây tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà cung cấp ví điện tử, Mobile Money chắc chắn sẽ có tác động tích cực đến hòa nhập tài chính trong nước, và cần được khuyến khích, hỗ trợ bởi các tổ chức tài chính, nhà cung cấp công nghệ, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trên toàn quốc.