Theo ông Phạm Chí Quang – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cho biết, xu hướng giảm lãi suất điều hành và lãi suất cho vay đã diễn ra từ năm 2020 và tiếp tục duy trì trong năm 2021. Đến tháng 1/2021 mặt bằng lãi suất của thị trường đã giảm 0,82% kể từ đầu năm.
Theo quy định của NHNN, lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, xuất khẩu, công nghiệp phụ trợ, công nghệ cao) không vượt quá 4,5%/năm. Tuy nhiên, lãi suất thực được các TCTD áp dụng chỉ khoảng 4,32%/năm, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng chung lãi suất cho vay của các nước ASEAN+4, so với các nước có điều kiện kinh tế tương đồng với Việt Nam như Mông Cổ, Pakistan,….
“Thời gian qua, lạm phát đã được kiểm soát xoay quanh mức 4% nên mức trần lãi suất cho vay 4,5%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên là khá phù hợp với điều kiện kinh tế của Việt Nam, cũng như khi so sánh với bối cảnh các nước khác”, ông Phạm Chí Quang nói.
Về xu hướng điều hành lãi suất trong năm 2022, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, cơ quan này sẽ điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện giảm chi phí vốn cho người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang, với áp lực lạm phát trên toàn cầu hiện nay, giá cả các mặt hàng cơ bản đang leo cao. Do vậy áp lực về lạm phát là hiện hữu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn. Trong bối cảnh đó, để duy trì mặt bằng lãi suất không thay đổi cũng đã là một áp lực rất lớn đối với ngành ngân hàng.
|