25/12/2024

Trong năm 2021, thị trường chứng khoán Việt Nam trở thành điểm sáng khi liên tục lập đỉnh mới. Bên cạnh đó, quy mô thanh khoản cũng liên tục đạt kỷ lục, có những phiên xấp xỉ 2 tỷ USD trên cả 3 sàn.

Dù vậy, các hoạt động IPO và niêm yết mới trong năm nay lại khá trầm lắng. Theo đó, các thương vụ niêm yết mới không nhiều và chủ yếu diễn ra trong giai đoạn nửa đầu năm 2021 như: Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (SSB) vào tháng 3/2021, CTCP Bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên (TNH) vào tháng 1/2021, CTCP Dịch vụ bất động sản Đất Xanh (DXS) và Công ty cổ phần Bất động sản Khải Hoàn Land (KHG) vào tháng 7/2021…

Hiện tại, danh sách đăng ký niêm yết mới lên sàn HOSE có một số cái tên đáng chú ý như: Tổng công ty Phát điện 3 – CTCP (mã PGV), Công ty Tài chính Cổ phần Điện Lực (mã EVF), CTCP Đầu tư Hạ tầng Giao thông Đèo Cả (mã HHV), CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (mã FHH), Tổng Công ty Cổ phần Công trình Viettel (mã CTR)…

Dù vậy, đây cũng không phải những cái tên mới, vì những PGV, EVF, HHV đang giao dịch trên thị trường UPCOM. Trong khi đó, FHH thì đã nộp hồ sơ đăng ký niêm yết lên HOSE từ tháng 12/2020.

Quy mô các công ty niêm yết mới năm nay cũng vắng bóng những doanh nghiệp lớn chào sàn như CTCP Vincom Retail (VRE), CTCP Vinhomes (VHM), hay Tổng Công ty Dầu Việt Nam (OIL), CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang, tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (GVR), từng mang tới sự hứng khởi cho nhà đầu tư những năm trước đây.

Chia sẻ với Tạp chí Nhà Đầu tư, ông Đỗ Bảo Ngọc – Phó Tổng Giám đốc CTCP Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam nói: “Điều này phản ánh đúng thực trạng của nền kinh tế khi chịu tác động tiêu cực của COVID-19. Các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả và không muốn niêm yết lên sàn chứng khoán. Trong khi đó, những doanh nghiệp đã niêm yết rồi lại hưởng lợi và thành công hút vốn thông qua việc tích cực phát hành cổ phần. Đây cũng là nguyên nhân nhiều công ty muốn chuyển sàn từ HNX, UPCOM sang HOSE – là sàn có tiêu chuẩn niêm yết cao nhất”.

Về phía các thương vụ IPO, trong khi thế giới ghi nhận các đợt IPO huy động được hơn 600 tỷ USD, vượt mức kỷ lục của năm 2007 về cả số thương vụ lẫn tổng số tiền thu được, thì các thương vụ IPO ở Việt Nam diễn ra khá trầm lắng khi chỉ hút vỏn vẹn 20 triệu USD, bất chấp thị trường liên tục phá đỉnh.

Những thương vụ IPO lớn như Agribank, công ty mẹ Tập đoàn VNPT, MobiFone… chưa thể thực hiện. Ngoài khó khăn về dịch bệnh, thì vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc xử lý tài chính, rà soát phương án sắp xếp, xử lý nhà đất, phê duyệt phương án sử dụng đất, xác định, kiểm toán giá trị của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hoá.

Ngoài ra, nhiều quy trình, thủ tục, thời gian kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp. Đơn cử, Nghị định 32/2018/NĐ-CP liên quan tới xác định giá khởi điểm khi thoái vốn có quy định xác định giá trị quyền sử dụng đất đối với đất thuê trả tiền hàng năm, định giá thương hiệu, quyền sở hữu trí tuệ… chưa có nội dung cụ thể, cách hiểu còn khác biệt, dẫn đến lúng túng, không thống nhất khi thực hiện. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp nhà nước khó xác định giá khởi điểm do lo ngại trách nhiệm sau này.

Ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá: ”Việc thiếu vắng các thương vụ IPO lớn là điều đáng tiếc. Bởi, các cổ phiếu trong diện thoái vốn nhà nước có nhiều tiềm năng, theo nhận định của các quỹ đầu tư, sẽ tạo cơ hội hấp dẫn cho các nhà đầu tư trên thị trường”.

Ngoài ra, ít có các thương vụ thoái vốn, cổ phần hóa, niêm yết mới là nguyên nhân khiến dòng tiền đầu tư, đầu cơ quanh quẩn và không có nhiều lựa chọn. Có thể thấy, dòng tiền thời gian qua tìm đến các cổ phiếu rác, penny và đẩy các mã này vượt xa giá trị thực. Kết quả kinh doanh càng lỗ, giá trị cổ phiếu càng tăng. Không ít doanh nghiệp kém chất lượng nhưng đã tận dụng đà tăng của cổ phiếu để phát hành cổ phần tăng vốn.

Thiếu vắng các thương vụ IPO, niêm yết mới cũng là nguyên nhân khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khó hút vốn ngoại. Luỹ kế từ đầu năm đến nay, khối ngoại đã bán ròng khoảng 60.000 tỷ, biến Việt Nam trở thành thị trường bị bán ròng mạnh nhất Đông Nam Á, bằng tổng lượng vốn rút ròng trên 2 thị trường Thái Lan và Malaysia cộng lại, dù quy mô thị trường Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Sang năm 2022, một trong những động lực tăng trưởng của thị trường được kỳ vọng là “sóng” cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước đang xây dựng đề án khuyến khích, thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua phần vốn nhà nước tại một số tập đoàn, tổng công ty đến năm 2030. Mục tiêu của đề án là hướng tới các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài với đầy đủ năng lực về kinh nghiệm, tài chính, khoa học công nghệ, uy tín.

Khi cơ cấu cổ đông thay đổi, quản trị doanh nghiệp thay đổi, hoạt động doanh nghiệp sẽ khởi sắc hơn, từ đó là nền tảng tốt cho sự phát triển của doanh nghiệp nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung. Hiện tại, mới chỉ có 2 doanh nghiệp có sự tham gia của cổ đông chiến lược nước ngoài là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex – HOSE: PLX), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – HOSE: HVN).

Trong đó, Petrolimex bán vốn cho Tập đoàn JXTG Nippon Oil&Energy của Nhật Bản (nay là ENEOS Corporation), Vietnam Airlines bán vốn cho Tập đoàn hàng không Nhật Bản ANA Holdings Inc.

Nhìn sang các nước trong khu vực, dù chịu nhiều khó khăn từ dịch bệnh, song một số thị trường chứng khoán hàng đầu đã có nhiều sáng kiến và thu hút mạnh nguồn vốn qua các thương vụ IPO.

Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET) ngay từ đầu năm 2021 đã sửa đổi các yêu cầu niêm yết để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các công ty trong các ngành công nghiệp trọng điểm sớm niêm yết, như: Xe hơi thế hệ mới, robot, hàng không và hậu cần, du lịch y tế và chăm sóc sức khỏe, công nghệ sinh học và công nghệ nano. Theo dữ liệu từ Deloitte, Thái Lan trong năm 2021 tiếp tục dẫn đầu khu vực về huy động vốn thông qua IPO với 35 công ty và quỹ tín thác bất động sản huy động được 4,2 tỷ USD.

Trong khi đó, Sở Giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đã giới thiệu một khuôn khổ quy định mới cho phép các công ty mua lại có mục đích đặc biệt (SPAC) có thể niêm yết. Đây được nhìn nhận là động thái nhằm hồi sinh thị trường IPO (niêm yết cổ phiếu lần đầu ra công chúng) của Singapore. SGX cũng đặt mục tiêu sao chép việc niêm yết SPAC lên TTCK như thành công của Mỹ trong thời gian vừa qua.

Bên cạnh đó, Chính phủ Singapore sẽ đồng đầu tư vào một quỹ có tên Anchor Fund @65 để hỗ trợ các doanh nghiệp “có triển vọng tăng trưởng cao”. Ngoài ra, một sáng kiến đáng chú ý khác là quỹ có tên Growth IPO Fund do EDBI – chi nhánh đầu tư của Ủy ban Phát triển Kinh tế Singapore – đầu tư, để rót vốn vào các công ty khởi nghiệp đang hướng tới việc niêm yết trên sàn chứng khoán Singapore. Trước mắt, quỹ này sẽ được đầu tư 500 triệu đôla Singapore (hơn 371 triệu USD).