10/01/2025

Khi “ngọc thô” được mài giũa

Là một trong những trung tâm công nghiệp của tỉnh, Cẩm Phả đã từng là thành phố “sống dựa vào than”, dù tiềm năng du lịch không thua kém bất kỳ vùng đất nào ở Quảng Ninh. Nơi đây được Vịnh Bái Tử Long ôm trọn với hơn 70km đường bờ biển, sở hữu nguồn suối khoáng nóng dồi dào, đồng thời là trung tâm của chuỗi điểm đến tâm linh nổi tiếng gồm: Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (Vân Đồn – Quảng Ninh), đền Cửa Ông (Cẩm Phả – Quảng Ninh), thiền viện Trúc Lâm Yên Tử (Uông Bí – Quảng Ninh).

Để phù hợp với chủ trương chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của Quảng Ninh, những năm qua, Cẩm Phả đã có nhiều chính sách mạnh mẽ phát triển các ngành công nghiệp hài hoà, thân thiện với môi trường. Mặt khác, Cẩm Phả đang hoàn thiện đề án định hướng phát triển du lịch giai đoạn 2020-2030, tầm nhìn 2050. Kỳ vọng trước mắt, đến năm 2025, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thành phố thu hút khoảng 2 triệu lượt khách.

Năm 2019, Cẩm Phả đã mạnh tay chi gần 1.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách để khởi công mới 21 dự án, chủ yếu là các công trình hạ tầng đô thị, thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, giáo dục nhằm chỉnh trang diện mạo thành phố. Nổi bật nhất phải kể đến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, dự án dự kiến hoàn thiện đưa vào sử dụng năm 2021 sẽ mở thêm kết nối thông suốt tới toàn tỉnh bên cạnh quốc lộ 18.

Theo quyết định của UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành tháng 10 vừa qua về việc điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Cẩm Phả đến năm 2040 tầm nhìn đến năm 2050, Cẩm Phả được xác định là một phần trong chuỗi đô thị ven biển Quảng Yên – Hạ Long – Cẩm Phả – Vân Đồn – Móng Cái để phát triển dịch vụ, du lịch, kinh tế biển.

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có của một thành phố hiện đại, quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2040, Cẩm Phả sẽ trở thành một thành phố hiện đại, đồng bộ về hạ tầng giao thông và là thành phố hạt nhân thúc đẩy sự phát triển của Quảng Ninh.