10/01/2025

Mua BĐS là tài sản cả đời, cho nên nhiều người rất lo lắng đến việc liệu mình có bị mua “hớ” hay không. Mua “hớ” ở đây được hiểu là mua với giá cao hơn so với giá mặt bằng chung của thị trường hoặc so với người mua khác với một BĐS tương đồng, cùng vị trí, khu vực.

Nhất là trong bối cảnh thị trường đang bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhiều người cũng muốn tìm kiếm cơ hội mua ở/đầu tư lúc này để được hưởng chính sách ưu đãi, hoặc giả cả mềm hơn. Tuy nhiên, cũng giữa luồng thông tin về cắt lỗ hay giảm giá thì nhiều người còn tỏ ra nghi ngờ về độ chính xác. Họ cho rằng, “chiêu” giảm giá hay cắt lỗ giữa mùa dịch rất dễ rơi vào bẫy của môi giới BĐS, khiến mua “hớ” tài sản.

Trong buổi tọa đàm do báo Dân Trí tổ chức mới đây, một nhà đầu tư đặt câu hỏi cho các chuyên gia: Hiện, thị trường có nhiều người rao bán cắt lỗ nhưng không biết có cắt lỗ thật hay không. Làm sao để nhận biết một sản phẩm đang có mức giá tốt và tránh bị mua “hớ”.

Chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang cho rằng, hiện nay các nhà đầu tư lớn trên thị trường đã sẵn sàng mua bất động sản cắt lỗ 10-20% nhưng không mua được bao nhiêu. Vì thực tế, thị trường hiện nay ít ai cắt lỗ, họ chỉ cắt lỗ ở mức 5-10% chứ hơn thì chưa thấy.

Theo đó, muốn biết được một bất động sản nào có cắt lỗ hay không, mình có mua “hớ” hay không, chúng ta phải liên tục quan sát thị trường chứ không có cách nào khác. Người mua tìm trên mạng xem chỗ này bán giá bao nhiêu thì mới biết sản phẩm mình muốn mua có thật sự là đắt hay rẻ, là cắt lỗ hay không.

Thứ hai, theo ông Quang là người mua phải nói chuyện với chủ của bất động sản đó, để biết họ bán giá mềm/hay cắt lỗ với lý do gì. Tức là rao bán một tỷ nhưng đến nơi người ta bán 900 triệu, vì kỳ vọng người ta bán 900 triệu chứ không phải một tỷ. Thành ra là chúng ta mua sản phẩm cắt lỗ mà bị mua hớ.

“Tôi nghĩ trên thị trường hiện nay cũng có khoảng 10-20% nhà đầu tư muốn cắt lỗ, nhưng người ta không rao bán cắt lỗ mà chỉ rao bán bình thường, chỉ thêm chữ “bán gấp” gì đó để thu hút khách hàng. Sau một hồi thương lượng căng thẳng mà người ta giảm giá thì mình mua, mới thương lượng mà giảm thì đừng mua vội, không ai giảm giá quá nhanh đâu”, ông Quang cho hay.