27/12/2024

Thẻ Căn cước công dân gắn chip

Thực tế, không có quy định nào yêu cầu người dân bắt buộc phải đi làm Căn cước công dân gắn chip trước 31/12/2021. Tuy nhiên, người dân vẫn nên đi làm thẻ trước thời điểm này, bởi theo Thông tư 47/2021/TT-BTC, 31/12/2021 là hạn cuối người dân được giảm 50% lệ phí cấp Căn cước công dân. Cụ thể:

– Chuyển từ Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số sang cấp thẻ Căn cước công dân: 30.000 đồng/thẻ;

– Đổi thẻ Căn cước công dân khi bị hư hỏng không sử dụng được; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhận dạng; xác định lại giới tính, quê quán; có sai sót về thông tin trên thẻ; khi công dân có yêu cầu: 50.000 đồng/thẻ;

– Cấp lại thẻ Căn cước công dân khi bị mất thẻ Căn cước công dân, được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam: 70.000 đồng/thẻ.

Kể từ ngày 01/01/2022, mức lệ phí nêu trên tăng gấp đôi.

Đăng ký xe cho xe đã qua nhiều đời chủ, thiếu giấy tờ

Theo Thông tư 58/2020/TT-BCA, xe đã chuyển quyền sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có giấy tờ chuyển quyền sở hữu được giải quyết đăng ký, sang tên đến hết ngày 31/12/2021.

Tức là, sau ngày 31/12/2021, xe đã qua nhiều đời chủ, mà không có/thiếu giấy tờ mua bán sẽ không còn được đăng ký, sang tên. Vì vậy, ngày 31/12/2021 là hạn chót mà người dân cần lưu ý để đi làm thủ tục này.

Theo Điều 19 của Thông tư 58, hồ sơ cần chuẩn bị bao gồm: Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân để xuất trình; giấy khai đăng ký xe (theo mẫu số 01); chứng từ lệ phí trước bạ theo quy định; giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe (trong trường hợp khác tỉnh và mô tô khác điểm đăng ký xe). Sau đó, hồ sơ sẽ được nộp ở cơ quan đăng ký xe nơi cư trú.

Về thời hạn giải quyết, sau 30 ngày, nếu không tranh chấp, khiếu kiện, cơ quan quản lý hồ sơ phải đăng ký, cấp biển số (đối với ô tô sang tên trong cùng tỉnh và mô tô cùng điểm đăng ký xe) hoặc cấp Giấy chứng nhận thu hồi đăng ký, biển số xe cho người đang sử dụng xe để làm thủ tục đăng ký, cấp biển số tại nơi cư trú.