Cổ phiếu PTC của CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện vừa trải qua chuỗi 8 phiên tăng trần liên tiếp trên sàn HoSE, đẩy thị giá tăng gần 60% lên 18.700 đồng chốt phiên 17/11, bất chấp thị trường chung vừa trải qua những phiên biến động mạnh.
Đà tăng của cổ phiếu PTC đến sau khi doanh nghiệp này có thông báo giải quyết dứt điểm công nợ với các đối tác trước thời điểm 31/12/2021, mang tới nhiều đồn đoán về những biến động lớn ở PTC, đặc biệt là định hướng sở hữu cổ phần, vốn đang rất cô đặc.
Hiện nay, ngoài 10% cổ phiếu quỹ, phần lớn cổ phần PTC còn lại thuộc sở hữu của nhóm lãnh đạo hiện hành. Cơ cấu sở hữu cô đặc thể hiện rõ qua việc chỉ 6 cổ đông nắm giữ tới 92,42% cổ phần có quyền biểu quyết, trong đó 2 cổ đông cá nhân lớn sở hữu 80,79%.
Nếu trừ cổ phiếu quỹ, thì lượng cổ phần do cổ đông nhỏ lẻ sở hữu chỉ vào khoảng 1,23 triệu đơn vị, chiếm 7,58% cổ phần đang lưu hành.
Vậy thì, PTC có gì hấp dẫn?
PTC có lịch sử hình thành từ thập niên 70 của thế kỉ trước, tiền thân là thành viên của Tổng công ty Bưu chính Viễn thông (VNPT). Năm 2004, doanh nghiệp này chuyển sang mô hình công ty cổ phần, và niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK Hà Nội (HNX) và năm 2007, chuyển sang Sở GDCK TP.HCM (HoSE) năm 2008.
Tháng 10/2015, PTC tăng vốn từ 100 tỷ đồng lên 179,99 tỷ đồng và giữ nguyên cho đến nay.
PTC trước đây, đặc biệt từ khi còn vốn nhà nước (thoái hết 30% năm 2015) hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực xây lắp công trình trong ngành bưu chính viễn thông. Tuy nhiên kể từ năm 2017, doanh nghiệp này chủ động giảm mạnh hoạt động xây lắp và chuyển sang đầu tư tài chính.
Hai năm 2019-2020, trong khi doanh thu bán hàng không đáng kể, thì PTC thu về lần lượt 98,7 tỷ đồng và 80,5 tỷ đồng doanh thu tài chính, với lãi sau thuế tổng cộng khoảng 120 tỷ đồng giai đoạn này, tương đương lãi sau thuế bình quân 60 tỷ đồng mỗi năm trên vốn điều lệ 180 tỷ đồng, giúp xoá lỗ luỹ kế và đẩy lãi sau thuế chưa phân phối lên mức 30,4 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, đầu tư tài chính vẫn là hoạt động chủ đạo, mang về cho PTC 28,6 tỷ đồng doanh thu và 16 tỷ đồng lãi sau thuế, hoàn thành 78% kế hoạch cả năm.
Tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của PTC là 311,8 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương là 40,8 tỷ đồng, đầu tư tài chính ngắn hạn 52,2 tỷ đồng, phải thu ngắn hạn 47,3 tỷ đồng, và chiếm quá bán là đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh 165,55 tỷ đồng.
Trong các khoản đầu tư của PTC, đáng chú ý có 48,89% cổ phần trong CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang và 20% cổ phần CTCP Điện gió Hướng Linh 7.
Trong đó, CTCP Khách sạn Bưu điện Nha Trang là chủ đầu tư dự án khách sạn trên khu đất rộng 1.624m2 tại vị trí đắc địa số 2 Trần Phú, TP. Nha Trang, Khánh Hoà.
Về phần mình, Điện gió Hướng Linh 7 được thành lập trên cơ sở hợp tác giữa lãnh đạo CTCP SCI và PTC, là chủ đầu tư dự án điện gió Hướng Linh 7, công suất 30MW, vốn đầu tư 1.183 tỷ đồng tại huyện Hướng Hoá, Quảng Trị.
Ngoài ra, dù chưa xuất hiện trên BCTC, song nên biết liên danh nêu trên còn hợp tác tại dự án điện gió Hướng Linh 8, công suất 25,2MW, vốn đầu tư 975,5 tỷ đồng, cũng ở Hướng Hoá, Quảng Trị.
Được biết, dự án Điện gió Hướng Linh 8 đã COD toàn phần trước “Deadline” 31/10 vừa qua, trong khi dự án Điện gió Hướng Linh 7 được COD một phần.
Điện gió, bởi vậy có thể coi là lĩnh vực đầu tư chủ đạo của PTC. Vào tháng 6/2021, HĐQT doanh nghiệp này đã có Nghị quyết thông qua cam kết trả nợ thay CTCP Điện gió Hướng Linh 7, tiếp đó là Nghị quyết HĐQT vào trung tuần tháng 8 về việc thế chấp phần vốn góp vào CTCP Điện gió Hướng Linh 7 để thực hiện dự án.
Điện gió là lĩnh vực đầy tiềm năng, đặc biệt với các dự án đã COD kịp “Deadline” vừa qua. Tuy nhiên đây cũng là mảng đầu tư đòi hỏi nguồn lực lớn. Vốn chủ sở hữu của PTC hiện gần 300 tỷ đồng, với 180 tỷ đồng vốn cổ phần, 10% trong đó là cổ phiếu quỹ, là những con số còn khiêm tốn nếu muốn hướng tới những mục tiêu xa hơn.
Trong bối cảnh đó, sẽ không bất ngờ nếu xuất hiện thêm những nhà đầu tư có tiềm lực, thậm chí là “thay máu” cổ đông, giúp cựu thành viên VNPT gia tăng mạnh mẽ nguồn vốn trong thời gian tới.
Những dấu hiệu về một chuyển động lớn tại PTC không phải đến giờ mới xuất hiện. Tại ĐHĐCĐ thường niên hồi tháng 4/2021, cổ đông doanh nghiệp này đã thông qua thay đổi tên và trụ sở chính. Trước đó, tại 30/12/2020, PTC đã hoàn tất thoái hết vốn trong CTCP Đầu tư và Xây dựng Bưu điện 1. Từ đầu năm 2021, PTC chính thức thay đổi mô hình hoạt động không còn công ty con và không còn báo cáo tài chính hợp nhất.
Ở chi tiết khác, dù tăng mạnh, song thanh khoản của PTC trên sàn HoSE khá thấp, chỉ vài nghìn đơn vị mỗi phiên với hàng chục nghìn dư mua trần, điều này thể hiện cơ cấu sở hữu cô đặc của mã cổ phiếu này, và cũng cho thấy giá trị của PTC đang dần được nhà đầu tư chú ý.
Với đà tăng mạnh của thị giá cổ phiếu hiện nay, cũng không loại trừ việc ban lãnh đạo PTC sẽ sớm quyết định bán ra 1,8 triệu cổ phiếu quỹ nhằm gia tăng nguồn lực cho doanh nghiệp này.