Cùng với đó là nguồn cung được kiểm soát khi nhóm OPEC+ khó có thể tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm. Giá dầu quý 4 theo tổng hợp từ Bloomberg được dự báo đạt mức 77,01 USD/thùng với dầu Brent và 74,06 USD/thùng với dầu WTI, tăng mạnh 46% và 51% so với đầu năm.
Với sự hỗ trợ này, nhóm cổ phiếu dầu khí đã giao dịch sôi động trong thời gian gần đây. Nhưng triển vọng tiếp theo của nhóm này và các DN trong chuỗi sản xuất sẽ ra sao?
Từ thị trường giá dầu quốc tế
PSI tổng hợp, theo OPEC, tổng nhu cầu dầu toàn cầu ước tính sẽ tăng khoảng 6,0 triệu thùng/ngày lên 96,6 triệu thùng/ngày trong cuối năm 2021. Vào năm 2022, nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ tăng 3,3 triệu thùng/ngày so với cùng kỳ năm ngoái và Tổng nhu cầu dầu thế giới dự kiến sẽ vượt qua 100 triệu thùng/ngày trong 6 tháng đầu năm 2022, đạt mức trung bình 99,9 triệu thùng/ngày cho năm 2022. Tăng trưởng kinh tế được dự báo sẽ bắt đầu nhờ các gói kích thích kinh tế khổng lồ.
Ngoài ra, đại dịch COVID-19 được dự báo sẽ nằm trong tầm kiểm soát, được hỗ trợ bởi các chương trình tiêm chủng và cải thiện việc điều trị, cho phép nhu cầu dầu tăng đều đặn ở cả OECD và ngoài OECD.
Một số thành viên của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (gọi là OPEC+) sẽ gặp nhiều khó khăn để tăng sản lượng sau nhiều năm đầu tư thấp hoặc trì hoãn công việc bảo trì trong thời kỳ đại dịch. Theo ước tính của PSI, sản lượng của OPEC chỉ có thể tăng từ 27 triệu thùng/ngày lên 28 – 29 triệu thùng/ngày.
Tại Việt Nam, các dự án như nhà máy hóa dầu Long Sơn, kho cảng LNG Thị Vải… vẫn đang được thực hiện đúng tiến độ. Kho cảng LNG Thị Vải có công suất của giai đoạn 1 là 1 triệu tấn/năm (1 MMTPA) ước tính đạt khoảng 79,6% tiến độ xây dựng (tính đến ngày 10/08/2021).
Theo PSI, hoạt động của các doanh nghiệp ngành dầu khí niêm yết trên sàn chứng khoán hưởng lợi khi giá dầu tăng. Nhóm doanh nghiệp dịch vụ kỹ thuật dầu khí (PVS, PVD) đang có triển vọng sáng khi các dự án đầu tư dầu khí được đẩy nhanh trở lại. Nhóm các doanh nghiệp trung và hạ nguồn (PVT, GAS, BSR, PLX…) được hưởng lợi từ việc giá dầu tăng.
PSI dự báo triển vọng kinh doanh 3 tháng cuối năm 2021 của doanh nghiệp dầu khí cơ bản hồi phục tích cực trở lại sau giai đoạn giãn cách.
Dự báo về những doanh nghiệp
Đối với Tổng công ty khí Việt Nam (GAS), PSI đánh giá, nhu cầu của các khách hàng điện khí thấp cùng với một số sự cố kỹ thuật khiến cho sản lượng của PV GAS không đạt kế hoạch. Tuy nhiên, giá dầu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2021 và sản lượng LPG cao hơn 28% so với kế hoạch đã giúp PV GAS tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt là 23,2% và 4,3% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, các cấu phần của dự án kho chứa LNG Thị Vải như đường ống dẫn khí, hệ thống xuất xe bồn đều được PVGAS chú trọng triển khai từ đầu năm và hoàn thành đúng tiến độ.
PSI kỳ vọng kết quả kinh doanh cả năm 2021 vượt kế hoạch và tăng mạnh trong 2022 nhờ sự dẫn dắt của mảng kinh doanh LPG và giá dầu cao.
Đối với Tổng công ty điện lực dầu khí (POW), sản lượng điện Qc của các NMĐ khí được kỳ vọng tăng trong quý 4. Sau nửa đầu năm bị giảm huy động vì chi phí cao, hai nhà máy điện khí của POW là Nhơn Trạch 1 và 2 đã cải thiện sản lượng trong tháng 8. NMĐ Cà Mau 1&2 tuy có tháng 8 hoạt động không tích cực do khu vực chịu giãn cách xã hội dẫn tới nhu cầu điện giảm nhưng PSI cho rằng, trong những tháng còn lại của năm, sản lượng điện Qc cho ba nhà máy này sẽ tiếp tục tăng lên do nhu cầu điện của khu vực phía Nam tăng lên và giá khí thế giới dù vẫn ở mức cao nhưng đã lùi khỏi vùng đỉnh.
Về mảng thủy điện, nhà máy Đakđrinh liên tục vượt sản lượng kế hoạch nhờ nước về hồ nhiều trong mùa mưa khiến cho nhà máy thủy điện Đakđrinh liên tục sản xuất vượt kế hoạch. Giá thị trường cao hơn giá hợp đồng trong những tháng vừa qua cũng giúp nhà máy này có ghi nhận doanh thu tích cực. Dự kiến, những tháng cuối năm, giá điện bình quân trên thị trường vẫn sẽ tăng do đà tăng của giá than vẫn chưa dừng lại khiến chi phí chung của toàn ngành tăng lên.
Trong khi đó, NMĐ Vũng Áng 1 có giá biến đổi thấp hơn giá thị trường là cơ sở để A0 tăng cường huy động sản lượng của nhà máy này. Theo đánh giá của PSI, sản lượng cả năm 2021 của Vũng Áng có thể đạt 7 tỷ kWh, tăng trưởng 7% so với cùng kỳ.
Đối với Công ty phân bón dầu khí Cà mau (DCM), mặt bằng giá bán các sản phẩm đều ghi nhận gia tăng mạnh trong kỳ, đặc biệt là giá phân bón đạt mức cao kỷ lục. World Bank dự báo, giá phân bón thế giới sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong những tháng tới, thậm chí có thể tiếp tục tăng từ nay đến cuối năm 2021. Đối với phân Ure, nguồn cung trên thế giới sẽ giảm trong những tháng tới do có nhiều nhà máy phải bảo dưỡng và Trung Quốc hiện đang gia hạn tạm ngừng xuất khẩu để đáp ứng nhu cầu nội địa.
Đối với Tổng công ty phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM), biên lãi gộp cải thiện nhờ giá phân bón tăng cao. Giá thành phẩm phân bón trên thế giới tiếp tục tăng cao là động lực chính. Đồng thời, mảng hóa chất tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm trong khi đó giá ammoniac tại khu vực Đông Nam Á đã tăng 240% kể từ cuối năm 2020, và được ghi nhận cao nhất kể từ năm 2012
Đối với Tổng công ty Khoan và dịch vụ khoan Dầu khí (PVD), giá dầu tiếp tục được dự báo đạt mức cao hơn 75 USD trong cuối năm 2021 và 2022 sẽ thúc đẩy dự án dầu khí và nhu cầu thuê giàn lên cao. Hiện tỷ lệ hoạt động của giàn Semisubmersibles 7.500ft đang đạt 60%, cao nhất hơn 1 năm qua.
Hoạt động khoan của PVD đã trở lại ổn định và hợp đồng nhiều hơn cho giai đoạn cuối năm 2021. Sang đến quý 2, các hợp đồng mới đã mang lại việc làm nhiều hơn, các giàn khoan hoạt động cho các chủ dự án trong nước gồm Vietsovpetro, KrisEni, JOC Hoàng Long, Cửu Long. Tính trung bình 6 tháng đầu năm hiệu suất làm việc các giàn ở mức 77%. Giàn khoan nước sâu PVD V sẽ thực hiện khoan cho BSH từ quý 4.2021 hứa hẹn mang lại kết quả kinh doanh tốt cho công ty.
PSI dự báo giá cước trong giai đoạn cuối 2021 tiếp tục neo ở mức cao, trung bình chỉ số cước thuê tàu Asia Jackups 361-400 UIC đạt khoảng 65.000 -70.000 USD/ngày.