10/01/2025

Bùng dịch dù đã có vắc xin

4 trong số 5 quốc gia có tỷ lệ tiêm vắc xin Covid-19 cao nhất thế giới đang phải tìm cách ngăn chặn sự bùng phát của đại dịch. Theo Forbes, tính bình quân đầu người, tỉ lệ số người nhiễm Covid-19 ở các nước này còn cao hơn cả Ấn Độ. Tình hình này đã khiến các chuyên gia đặt câu hỏi về hiệu quả của một số vắc xin (đặc biệt là Sinopharm của Trung Quốc) và logic đằng sau việc nới lỏng các hạn chế ngay cả khi hầu hết dân số được tiêm chủng.

Trong số Seychelles, Israel, UAE, Chile và Bahrain – tương ứng là 5 quốc gia được tiêm chủng nhiều nhất trên thế giới – chỉ có Israel là không gặp rắc rối trong việc ngăn chặn sự gia tăng nguy hiểm của đại dịch Covid-19.

Seychelles và Bahrain, cùng với các quốc gia có tỉ lệ tiêm vắc xin cao khác như Maldives và Uruguay, đã ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 hàng ngày cao nhất trên toàn thế giới.

Seychelles, một quốc đảo nhỏ với tỷ lệ tiêm chủng gần như gấp đôi Mỹ, đã ghi nhận 328 trường hợp trên 100.000 người, tỷ lệ mắc cao hơn nhiều so với Ấn Độ.

Đợt bùng phát dịch bệnh ở các quốc gia đã được tiêm vắc xin đã làm dấy lên lo ngại về hiệu quả của một số loại vắc xin Trung Quốc so với các loại vắc xin phương Tây mà Israel sử dụng, bao gồm vắc xin Sinopharm. Loại vắc xin này được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công nhận hôm 7/5 và chiếm một phần lớn trong các chương trình tiêm vắc xin của các quốc gia.

Việc nới lỏng các hạn chế về đại dịch và thông điệp trái chiều từ các chính phủ cũng được coi là những lời giải thích tiềm năng cho tình trạng này. Seychelles vốn phụ thuộc vào du lịch và Maldives vẫn mở cửa chào đón du khách. Dubai đã nhanh chóng hủy bỏ phong tỏa trong khi Chile nới lỏng các hạn chế và cho phép du lịch nội địa.

Ở nhiều quốc gia giàu có, vắc xin thường được coi là chiến lược hiệu quả nhất nhằm thoát khỏi tình trạng phong tỏa. Số ca nhiễm đã giảm ở một số quốc gia thực hiện các chiến dịch thành công và nhanh chóng, bao gồm Mỹ, Anh và Israel, mặc dù các chuyên gia chỉ ra rằng tình hình có thể xấu đi nếu gỡ phong tỏa quá nhanh và cảnh báo chỉ riêng vắc xin có thể là không đủ để chống đại dịch.

Hiệu quả của các loại vắc xin cụ thể có thể trở thành mối quan tâm nổi bật khi ngày càng nhiều quốc gia bắt đầu tăng cường các chiến dịch tiêm chủng và có những lo ngại rằng một số loại vắc xin, như vắc xin Sinopharm của Trung Quốc, kém hiệu quả hơn trong việc kiểm soát dịch bệnh so với các loại vắc xin như Moderna và Pfizer.