10/01/2025

Đợt bùng phát mới được ghi nhận ở thị trấn Gouécké (Guinea), khiến 3 người (2 phụ nữ và 1 nam giới) thiệt mạng.

Ba người này nằm trong nhóm 7 người tham dự đám tang của một y tá vào ngày 1/2. Sau đó, họ có triệu chứng bị tiêu chảy, nôn mửa và chảy máu.

Tất cả nhóm 7 người trên đều đã được xác nhận mắc Ebola. Bốn người còn lại đang được cách ly.

Ebola có thể gây sốt, đau nhức, mệt mỏi trước khi tiến triển và khiến bệnh nhân nôn mửa, tiêu chảy, xuất huyết. Trung bình, tỉ lệ tử vong của Ebola là khoảng 50%.

Ebola lây lan qua dịch cơ thể của người bệnh hoặc người mới qua đời. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, một số chất dịch cơ thể – như tinh dịch – vẫn có thể truyền virus sau khi người nhiễm đã khỏi bệnh.

Động vật bị nhiễm bệnh, như dơi hoặc động vật linh trưởng, có thể truyền virus sang người và làm bùng phát các đợt dịch mới.

Tiến sĩ Krutika Kuppalli, trợ lý giáo sư y khoa về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Y Nam Carolina, nhận định: “Sự bùng phát trở lại của Ebola là rất đáng lo ngại. Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu những hậu quả của đợt bùng phát cuối cùng.”

Bà Kuppalli là giám đốc y tế một đơn vị điều trị Ebola ở Sierra Leone trong đợt bùng phát năm 2014-2016.

Đợt bùng phát mới nhất ở Guinea là đợt bùng phát Ebola đầu tiên ở Tây Phi kể từ năm 2016.

Chính phủ Guinea cho biết họ đang gấp rút ngăn chặn đợt dịch mới bằng cách xây dựng một trung tâm điều trị Ebola mới và đẩy nhanh việc phân phối vắc xin Ebola.

Tiến sĩ Matshidiso Moeti, Giám đốc khu vực Châu Phi của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết trên Twitter rằng bà “rất lo ngại” về đợt bùng phát mới và WHO cũng đang “tăng cường các nỗ lực sẵn sàng và ứng phó.”

Kể từ năm 2016, các đợt bùng phát Ebola mới chỉ xuất hiện ở Cộng hòa Dân chủ Congo (Trung Phi). Trong đó có một đợt đặc biệt gây chết người từ mùa hè năm 2018 đến mùa hè năm 2020. Hơn 2.000 người đã chết trong đợt bùng phát đó.

Congo đã báo cáo một đợt bùng phát Ebola mới vào tuần trước. Nó dường như không liên quan đến những ca bệnh mới của Guinea.