27/12/2024

Trước đây chúng ta vẫn nghĩ rằng nguy cơ kinh điển cho bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường) chủ yếu là hút thuốc, uống rượu bia, tiêu thụ nhiều đường, thừa cân, béo phì… Nhưng ngày nay, stress cũng được xếp vào danh sách nguy cơ đó.

Trong xã hội hiện đại, con người sống và làm việc trong điều kiện môi trường có nhiều yếu tố gây nên tình trạng stress kéo dài (mâu thuẫn trong gia đình, mâu thuẫn với đồng nghiệp, căng thẳng học hành thi cử, mất việc…).

Tại sao người thường xuyên bị stress lại có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường?

PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh – Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội, chia sẻ:

Lý do là vì là vì, khi stress, chúng ta thường ăn uống thất thường, không đảm bảo, ăn quá nhiều hoặc quá ít… làm kích hoạt các quá trình viêm trong cơ thể, hệ cân bằng nội mô giữa các yếu tố hormone nội tiết vượt quá mức bảo vệ của cơ thể.

Đặc biệt, những người bị stress thường bị rối loạn nhịp thức ngủ: ngủ không đúng giờ, ngủ quá ít, làm việc thâu đêm… Điều này làm cho cơ thể rơi vào tình trạng viêm không nhiễm khuẩn.

Quá trình viêm kích hoạt ấy kích hoạt các tế bào nội mô trong mạch máu, làm rối loạn lipid máu, rối loạn chuyển hoá đường, dần dần làm tăng đường huyết gây đái tháo đường cũng như kích ứng mạch máu làm tăng huyết áp, hội chứng chuyển hoá…