10/01/2025

Trung Quốc đã đưa ra kế hoạch tổng thể nhằm sánh ngang với Mỹ trong lĩnh vực sản xuất những con chip tiên tiến. Việc Mỹ chặn các công ty Trung Quốc truy cập các công nghệ chip có “yếu tố Mỹ” đã đẩy Bắc Kinh vào một tình thế khó khăn. Điều này càng thôi thúc Trung Quốc phải tự chủ được công nghệ chip, bộ não của tất cả các thiết bị điện tử.

Trong động thái lớn đầu tiên, SMIC đã đồng ý liên doanh với thành phố Thâm Quyến để phát triển và đưa vào hoạt động một nhà máy chip có thể sản xuất các loại chip 28 nanomet trở lên. Liên doanh này đặt mục tiêu sản xuất vào năm 2022 và khi hoạt động hết công suất, nó có thể tạo ra 40.000 tấm thành phẩm kích thước 12 inch mỗi tháng.

Trung Quốc đang muốn xây dựng một nhóm các gã khổng lồ công nghệ để có thể sánh vai với Intel Corp. và TSMC của Đài Loan trong việc sản xuất những con chip tối tân trong 5 năm tới. Đây cũng chính là nỗ lực để Trung Quốc có thể tranh giành ảnh hưởng toàn cầu với Mỹ.

Ở thời điểm hiện tại, Bắc Kinh đang nhanh chóng cắt giảm sự phụ thuộc của mình vào công nghệ phương Tây đối với các sản phẩm quan trọng như chip. Điều đó càng trở nên cấp thiết hơn trong bối cảnh cả thế giới đang rơi vào tình trạng thiếu chip bởi những tác động bất thường từ đại dịch Covid-19.

Trong khi đó, Washington cũng đưa nhiều công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, bao gồm của SMIC, khiến chúng không thể tiếp cận với các công nghệ mang yếu tố Mỹ. Điều này khiến các công ty Trung Quốc không thể tiếp cận với công nghệ sản xuất chip tối tân dù chúng không phải do Mỹ sản xuất.

Hiện tại, chưa thể xác định Chính quyền Joe Biden có thể cho phép các công ty Mỹ tiếp tục bán hàng cho SMIC trên quy mô lớn hay giảm bớt áp lực với các đồng minh châu Âu và những nơi khác trong việc gây áp lực lên các công ty Trung Quốc hay không.

Trong khi đó, mối quan hệ giữa doanh nghiệp với chính phủ có thể trở thành điều mấu chốt để quốc gia này đạt được mục tiêu tham vọng là cạnh tranh được với Mỹ trong ngành công nghệ bán dẫn. Các nhà sản xuất chip Trung Quốc cũng cần vượt qua mục tiêu sản xuất chip 28 nm để trưởng thành hơn. Các loại chip này hiện đang được sử dụng trong các ngành công nghiệp như tự động hóa sản xuất, TV thông minh. Tuy nhiên, cần hàng tỷ USD và nhiều năm thử nghiệm để Trung Quốc có thể sản xuất những con chip phức tạp hơn nhằm sử dụng chúng cho điện thoại thông minh.

Dự án ở Thâm Quyến của SMIC cũng sẽ là một trong số ít cơ sở ở Trung Quốc sản xuất loại tấm wafer kích thước 12 inch. Phần lớn các cơ sở khác chỉ tạo ra được các tấm có kích thước 8 inch. Kích thước tấm wafer lớn hơn giúp tiết kiệm chi phí hơn vì có thể ghép nhiều chip trên đó. Tuy nhiên, nó lại khó chế tạo hơn nhiều.

Theo kế hoạch, SMIC sẽ sở hữu 55% cổ phần của nhà máy nay. Một tổ chức thuộc chính phủ Trung Quốc sở hữu 23% cổ phần.