10/01/2025

Ngày 29/7 tới đây, theo lịch triệu tập sẽ diễn ra Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 lần 2 của Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank). Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên lần 1 ngày 30/6 dù vẫn được tổ chức song đã không thể diễn ra do không đủ túc số, chỉ 17,54% cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.

Đại hội thường niên dự kiến thông qua nhiều chủ trương quan trọng, như kế hoạch kinh doanh, báo cáo tài chính, sửa đổi bổ sung Điều lệ, xây dựng trụ sở mới…Dù vậy, việc chỉ có hơn 17%, tức là gần như các nhóm cổ đông lớn đều không tham dự, cho thấy những tờ trình trên đây đều không phải nội dung được quan tâm nhất ở thời điểm này.

Cần biết rằng, Đại hội thường niên năm nay sẽ bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới 2020-2025. Bởi không có nhóm cổ đông nào đủ quyền chi phối, nên rất có thể một tỷ lệ lớn thành viên HĐQT sẽ tiếp tục do HĐQT nhiệm kỳ hiện tại (2015-2020) đề cử, tương tự những diễn biến cuối năm 2015.

Điều này phần nào lý giải một nội dung quan trọng mà Eximbank từ năm ngoái đến nay không xử lý được, đó là tổ chức Đại hội bất thường theo yêu cầu của Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC). Cụ thể, nhà đầu tư Nhật Bản năm ngoái đã dùng quyền cổ đông lớn yêu cầu triệu tập Đại hội bất thường với mục tiêu thanh lọc Hội đồng quản trị bằng cách giảm bớt số lượng và bỏ phiếu bất tín nhiệm với từng thành viên.

Như Nhadautu.vn đã đề cập trong bài viết trước đây, một nửa số lượng thành viên HĐQT Eximbank nhiệm kỳ hiện tại do HĐQT cũ đề cử, về lý thuyết, họ không đại diện cho quyền và lợi ích của cổ đông. Bởi vậy, vai trò và các quyết định của một số cá nhân mang tới không ít băn khoăn về tính khách quan, minh bạch cho các nhóm cổ đông, dù ở “phe” nào.

Nếu ĐHĐCĐ bất thường được tiến hành, không khó hình dung ra viễn cảnh nhiều cái tên sẽ bị loại khỏi HĐQT ngay tại Đại hội. Đây là kịch bản được mong đợi từ các cổ đông/ nhóm cổ đông trung lập, bởi một HĐQT “sạch” hơn sẽ là tiền đề quan trọng để bầu ra HĐQT nhiệm kỳ mới có đủ năng lực, đạo đức, hạn chế phần nào tình trạng tranh đấu quyền lực giữa các nhóm cổ đông và trong chính HĐQT suốt 5 năm qua.

Lẽ dễ hiểu là Đại hội bất thường đã bị HĐQT Eximbank nhiều lần trì hoãn. Phải đến khi Ngân hàng Nhà nước áp lực, thậm chí xử phạt hành chính những thành viên không đồng ý tổ chức, Đại hội bất thường năm 2019 mới được tiến hành vào chiều ngày 30/6, trong một lịch trình đầy sự toan tính của ban lãnh đạo Eximbank. Biết rằng nếu trong sáng 30/6, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 diễn ra thành công và bầu được HĐQT nhiệm kỳ mới, thì tất cả các vấn đề thanh lọc HĐQT, bỏ phiếu bất tín nhiệm với HĐQT hiện tại trong ĐHĐCĐ bất thường gần như là vô nghĩa.

Như đã biết, chỉ có 17,54% cổ phần tham dự ĐHĐCĐ thường niên vào sáng 30/6, trong khi có tới 51,92% tham dự ĐHĐCĐ bất thường vào buổi chiều cùng ngày. Con số này cũng chưa đủ để tiến hành ĐHĐCĐ bất thường, song nó cho thấy sự quan tâm đặc biệt của phần đa cổ đông với những đề xuất của SMBC.

Tỷ lệ quá bán cũng là dấu hiệu rõ nét thể hiện “thế” và “lực” của nhóm cổ đông đối lập ở Eximbank, khi dù chỉ chiếm thiểu số trong HĐQT, song lại tranh thủ được sự ủng hộ của các nhóm cổ đông lớn khác, trong đó có nhà đầu tư ngoại SMBC. Với cơ sở như vậy, Đại hội bất thường lần 2 nếu được triệu tập nhiều khả năng sẽ diễn ra thành công (chỉ cần tối thiểu 51%), và theo Điều lệ cũng như Luật Doanh nghiệp, Đại hội bất thường lần 2 phải được tổ chức trong vòng 30 ngày kể từ lần 1 bất thành, tức là  chậm nhất cũng phải tiến hành cùng ngày 29/7 tới đây.

Dù vậy, HĐQT Eximbank tới thời điểm hiện tại (sáng 26/7) vẫn chưa triệu tập ĐHĐCĐ bất thường lần 2. Động thái này không những có dấu hiệu vi phạm Điều lệ và Luật Doanh nghiệp, mà còn thể hiện rõ toan tính trì hoãn để tiến hành ĐHĐCĐ thường niên 2020 trước. Tuy nhiên, nhìn vào tỷ lệ chỉ hơn 17% cách đây một tháng, không có nhiều lý do để tin rằng ĐHĐCĐ thường niên lần 2 sẽ được diễn ra, dù túc số lúc này chỉ cần 51%. Trong trường hợp đó, ĐHĐCĐ thường niên lần 3 sẽ được tiến hành trong thời hạn 20 ngày mà không cần một ràng buộc về tỷ lệ nào. Không loại trừ đây là đích đến mà một bộ phận trong HĐQT Eximbank nhắm tới.

Trì hoãn càng lâu, nhóm cổ đông “đuối” hơn sẽ có thêm thời gian để đàm phán, phá vỡ các mắt xích vốn không quá chắc chắn trong nhóm cổ đông đối lập đang nắm thế thượng phong. Quá trình này càng kéo dài, giá trị của từng lá phiếu trong HĐQT Eximbank, bởi vậy cũng tăng lên đáng kể. Và một vài quyết định xử phạt hành chính của Ngân hàng Nhà nước, xem chừng khó lòng thay đổi được những toan tính này.

Eximbank vẫn là một nhà băng hoạt động bình thường. Ngân hàng Nhà nước bởi vậy không thể can thiệp quá sâu, mang tính áp đặt. Tuy nhiên với vai trò của cơ quan quản lý nhà nước, NHNN đủ thẩm quyền để “nắn” các nhóm cổ đông, Thành viên HĐQT dù tranh đấu với nhau song vẫn phải tuân thủ pháp luật, Điều lệ.

Bên cạnh sàng lọc danh sách ứng viên tham gia HĐQT nhiệm kỳ mới, thì những nội dung được cổ đông Eximbank mong chờ NHNN can thiệp là đảm bảo sớm tổ chức ĐHĐCĐ bất thường năm 2019, ĐHĐCĐ thường niên năm 2020, cũng như làm rõ tính pháp lý của vị trí Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.