27/12/2024

Giá trị của các gói chính sách tài khóa khoảng 291.000 tỷ đồng. Trong đó, 240.000 tỷ đồng là chi trực tiếp từ ngân sách bao gồm 64.000 tỷ đồng miễn, giảm thuế và khoảng 176.000 tỷ đồng là đầu tư công. Sau đó là bố trí khoảng 6.600 tỷ đồng từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 để hỗ trợ cho công nhân thuê nhà ở.

Tiếp theo là tiếp tục thực hiện việc giãn, hoãn thuế để ưu đãi cho doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khoảng 135.000 tỷ đồng. Cuối cùng là tăng bảo lãnh trái phiếu chính phủ cho Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các đối tượng chính sách khoảng 38.400 tỷ đồng.

Phó Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài Chính) cho biết, tổng thể gói hỗ trợ sẽ đến từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và nguồn tăng thu tiết kiệm chi của Ngân sách Trung ương năm 2021. Bên cạnh đó, nguồn tiếp theo thực chất là giao thoa giữa chính sách tín dụng và chính sách tài khóa, tức là tăng bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội và ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cũng như chi phí quản lý cho Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã khẩn trương phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội và các đơn vị có liên quan để thực hiện hướng dẫn vấn đề thực hiện chính sách tín dụng cho vay đối với học sinh, sinh viên để mua máy tính phục vụ học tập trực tuyến. Đây là một trong những nhiệm vụ nằm trong gói hỗ trợ tín dụng mà Chính phủ đưa ra.

Trong quý 1/2022, Bộ Tài chính sẽ thực hiện những nhiệm vụ sau: Hướng dẫn chính sách miễn giảm thuế; hướng dẫn gia hạn thời gian miễn thuế, kéo dài thời hạn nộp thuế; hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng cho học sinh, sinh viên để mua máy tính; hướng dẫn vấn đề cấp bù lãi suất cho ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp với ngân hàng nhà nước để ban hành khung hướng dẫn hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp.

Để tận dụng mọi nguồn lực cho Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, Bộ Tài chính sẽ tận dụng dư địa trong tăng thu như đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu ở lĩnh vực, địa bàn có điều kiện để phấn đấu tăng thu. Cùng với đó, Bộ đưa ra chủ trương tích cực tiết kiệm chi, kiểm soát chặt chẽ chi thường xuyên, nhất là khoản chi mà có tính chất đầu tư xây dựng cơ bản, cắt giảm khoản chi không thực sự cần thiết.

Ngoài ra, Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, rà soát các quỹ tài chính ngoài ngân sách nhà nước. Từ đó, ngân sách nhà nước có nguồn lực đảm bảo tối đa nhu cầu thực hiện của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội. Qua đó, Việt Nam sẽ sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp phục hồi kinh tế, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế – xã hội.

https://cafef.vn/nguon-tien-cho-goi-ho-tro-phuc-hoi-kinh-te-nam-2022-den-tu-dau-20220217220556951.chn