Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s mới đây đã xác nhận xếp hạng tiền gửi nội tệ và ngoại tệ dài hạn, theo đó áp dụng xếp hạng của 15 ngân hàng Việt ở mức Ba3.
Đồng thời, Moody’s điều chỉnh triển vọng xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi nội tệ & ngoại tệ dài hạn của 5 ngân hàng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”, 4 ngân hàng được điều chỉnh từ “Ổn định” lên “Tích cực” và 6 ngân hàng từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”.
15 ngân hàng trong diện điều chỉnh bao gồm: ABBank, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MB, OCB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, VPBank, Techcombank.
Cụ thể, 5 ngân hàng được nâng triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”: Vietcombank, Agribank, VietinBank, Techcombank, BIDV
4 ngân hàng được điều chỉnh từ “Ổn định” lên “Tích cực”: OCB, TPBank, VPBnk, VIB
6 ngân hàng được điều chỉnh từ “Tiêu cực” lên “Ổn định”: ABBank, ACB, HDBank, LienVietPostBank, MB, SeABank
Trước đó, Moody’s đã xác nhận giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm nhà phát hành và các khoản vay không đảm bảo dài hạn được ưu tiên trả nợ của Việt Nam ở mức Ba3, đồng thời, nâng triển vọng từ “Tiêu cực” lên “Tích cực”.
Sức mạnh tín dụng nội tại của Việt Nam là yếu tố đầu vào quan trọng trong đánh giá xếp hạng tiền gửi và tổ chức phát hành của Moody’s đối với các ngân hàng Việt Nam, vì sức mạnh tín dụng của quốc gia ảnh hưởng đến năng lực của Chính phủ trong việc hỗ trợ các ngân hàng trong thời điểm căng thẳng.
Ngoại trừ ABBANK, xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA), BCA điều chỉnh, xếp hạng đánh giá rủi ro đối tác (CRA) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của các ngân hàng nêu trên đều không bị ảnh hưởng trong đợt điều chỉnh này.
Với giả định tất cả các yếu tố không đổi, Moody’s có khả năng sẽ nâng xếp hạng dài hạn của 9 ngân hàng Việt Nam có xếp hạng triển vọng “Tích cực” nếu Việt Nam được nâng xếp hạng tín nhiệm.