Trước đó, MAUR đã trình xin ý kiến đồng thuận của các nhà tài trợ dự án về tiến độ hoàn thành tuyến metro số 2 đến năm 2030 (chưa bao gồm hai năm thông báo sửa chữa khiếm khuyết của nhà thầu/thời gian bảo hành), thay vì năm 2026 như trước đây.
Ngân hàng KfW (Ngân hàng Tái thiết Đức, một trong những nhà tài trợ của dự án) đã có thư cơ bản đồng thuận với tiến độ tổng thể cập nhật của dự án tuyến metro số 2 vào ngày 25/2.
Tuyến metro số 2 giai đoạn 1 (tuyến Bến Thành – Tham Lương) được phê duyệt quy hoạch vào năm 2010, dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành sau 4 năm. Sau nhiều lần “lỡ hẹn”, dự án đến nay vẫn chưa chốt ngày khởi công.
Dự án tuyến metro số 2 có tổng mức đầu tư ban đầu là 26.116 tỷ đồng, đến năm 2019 tổng mức đầu tư được điều chỉnh lên mức khoảng 47.800 tỷ đồng. Công trình dài 11,2 km, trong đó có 9,2 km đi ngầm trong lòng đất từ chợ Bến Thành qua các đường Cách Mạng Tháng Tám, Trường Chinh và 2 km đoạn đi trên cao.
Trong báo cáo mới nhất vừa gửi UBND TP. HCM, MAUR cho biết đến nay, các quận đã cơ bản hoàn tất thủ tục ban hành Quyết định bồi thường cho dự án tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).
Tiến độ ban hành quyết định bồi thường đã đạt 99,67%, tương ứng 584/586 trường hợp, giảm 17 trường hợp do không đủ điều kiện để lập phương án bồi thường tại quận Tân Bình. Trong đó, các quận 1, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú đạt 100%. Tỷ lệ bàn giao mặt bằng đạt 83,45% (489/586 trường hợp).
Riêng tại quận 3, do pháp lý dự án thay đổi, nên UBND quận đã trình phương án bồi thường mới và đang chờ phê duyệt; vì vậy, chưa đủ cơ sở để tiến hành bồi thường, thu hồi mặt bằng và giao cho chủ đầu tư. Đây cũng là một trong những lý do khiến dự án chưa thể khởi công trong năm 2021 như dự kiến.
Lý giải về việc lùi thời gian hoàn thành, MAUR cho biết giai đoạn trước, công tác giải phóng mặt bằng chậm dẫn đến công tác lựa chọn nhà thầu các gói thầu chính của dự án triển khai chậm hơn so với kế hoạch.
Ngoài ra, nguồn vốn cũng là 1 trong những nút thắt cản trở tuyến metro số 2 về đích đúng hẹn. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1,3 tỷ USD, sau đó điều chỉnh lên 2,1 tỷ USD (gần 47.900 tỷ đồng) vào cuối năm 2019.
Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW) cùng hai Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) tài trợ cho dự án gần 37.500 tỷ đồng, còn lại hơn 10.400 tỷ đồng là vốn đối ứng từ phía Việt Nam.
Metro số 2 trước đó ký hai khoản vay với KfW, tổng trị giá 313 triệu USD, dùng cho phần việc tư vấn và các hạng mục cơ điện. Hai khoản vay này hết hiệu lực cuối năm 2020 nhưng chưa được gia hạn dẫn đến dự án chưa được bố trí vốn trung hạn ODA cấp phát 2021 – 2025.
Ngoài ra, hồi tháng 8/2020, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đồng ý hủy trước hạn số tiền 390 triệu USD thuộc hiệp định vay của ADB tài trợ cho dự án. Việc hủy khoản vay này, MAUR cho biết sẽ thay thế bằng phần vay khác của ADB trị giá khoảng 1 tỷ USD (khoảng 23.000 tỷ đồng). Tuy nhiên, đến nay việc thẩm định lại điều kiện vay vốn của ADB vẫn chưa xong.