29/12/2024

Theo một báo cáo mới, Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng 43 nhà máy nhiệt điện than mới và 18 lò cao – tương đương với việc tăng khoảng 1,5% lượng khí hàng năm hiện tại của quốc gia này. Các dự án mới đã được công bố trong nửa đầu năm nay, bất chấp “quốc gia gây ô nhiễm nhất thế giới” cam kết lượng khí thải sẽ đạt đỉnh trước thời điểm năm 2030 và đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.

Tờ Time cho biết, động thái này cho thấy giới chức Trung Quốc đang đặt mục tiêu ưu tiên tăng trưởng kinh tế lên trước kế hoạch cắt giảm lượng khí thải. Tuy nhiên, một số nhà phân tích vẫn lạc quan rằng Trung Quốc sẽ đạt được các mục tiêu về khí hậu. Li Shuo – cố vấn chính sách toàn cầu cấp cao của Greenpeace tại Bắc Kinh, nhận định: “Trung Quốc muốn tiếp tục xây dựng, thúc đẩy cơ sở hạ tầng.”

Báo cáo về các nhà máy nhiệt điện than mới của Trung Quốc công bố hôm 13/8, được thực hiện bởi tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Helsinki là Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí sạch (CREA) và Nhóm Giám sát Năng lượng Toàn cầu (GEM) của Mỹ. Trước đó, Uỷ ban Liên Chính phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC) của Liên Hợp Quốc cũng công bố một báo cáo đáng báo động, kết luận rằng biến đổi khí hậu do con người gây ra đang là một thực tế “rõ ràng”. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres gọi bản báo cáo của IPCC là “cảnh báo đỏ cho cả nhân loại”.

Hiện tại, Trung Quốc đang là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng nhà máy điện than mới. Năm 2020, họ xây dựng công suất điện than mới cao gấp hơn 3 lần so với tất cả các quốc gia khác trên thế giới cộng lại. Tuy nhiên, đây không phải quốc gia duy nhất phụ thuộc vào than. Theo một báo cáo hồi tháng 6 của Carbon Tracker, Trung Quốc và 1 số quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia và Nhật Bản chiếm xấp xỉ 80% tổng số nhà máy điện than trên toàn thế giới.

Song, đó vẫn chưa phải tin xấu nhất. Trung Quốc đã cam kết giảm mức độ sử dụng năng lượng – được so sánh tổng năng lượng tiêu thụ với GDP, và lượng carbon (carbon tạo ra trên mỗi USD của GDP) vào năm 2025. Hồi tháng 4, Chủ tịch Tập Cận Bình cho biết nước này cũng bắt đầu giảm cường độ sử dụng than vào năm 2026.

Dimitri de Boer – người đứng đầu tổ chức từ thiện luật môi trường ClientEarth tại Trung Quốc, cho biết giữa các chính phủ và các địa phương đang có sự không thống nhất, Bắc Kinh cho rằng các dự án phát thải cao mới cần được kiểm soát chặt chẽ.

Dù nền kinh tế đã chịu áp lực do Covid-19 và căng thẳng địa chính trị, nhưng de Boer vẫn lạc quan rằng Trung Quốc sẽ đạt được các mục tiêu về cường độ phát thải vào năm 2025 và mục tiêu đạt mức phát thải carbon cao nhất trước năm 2030.

Dù số lượng các nhà máy điện than tăng lên, nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia dẫn đầu về năng lượng tái tạo khi chiếm khoảng 50% mức tăng trưởng về công suất năng lượng tái tạo trên thế giới vào năm 2020. Quốc gia đông dân nhất thế giới này cũng là một trong những nhóm dẫn đầu về công nghệ xanh như xe điện, pin và năng lượng mặt trời.

Tim Buckley – giám đốc nghiên cứu tài chính năng lượng về Australia và Nam Á tại Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính (IEEFA), cho biết: “Trung Quốc đứng số 1 về phát triển công nghệ trong các ngành công nghiệp không phát thải.”

Theo báo cáo của CREA và GEM, tốc độ tăng trưởng trong lượng phát thải CO2 của Trung Quốc đã chậm lại trong quý II/2021. ĐIều này “cho thấy tốc độ phát thải tăng nhanh chóng kể từ khi kết thúc những đợt phong tỏa do Covid-19 vào đầu năm 2020 có thể sắp kết thúc.”

Lauri Myllyvirta – trưởng nhóm phân tích tại CREA, cho biết: “Tôi cho rằng Trung Quốc đã có sự thay đổi của việc thúc đẩy nhanh chóng tất cả các loại ngành công nghiệp và xây dựng trong năm ngoái, cùng với đố là nỗ lực điều chỉnh tốc độ phát thải.”

Ông nói rằng, các dự án mới của Trung Quốc sẽ rất quan trọng và cần được theo dõi. Nhà phân tích cho hay: “Đây sẽ là những yếu tố để cân nhắc xem việc xây dựng những nhà máy này có còn được chấp nhận hay không.”

Tham khảo Time