Cụ thể, nút giao An Phú ở Tp.Thủ Đức – nơi giao nhau giữa ba trục giao thông lớn gồm cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây, đại lộ Mai Chí Thọ và đường Lương Định Của. Dự án xây dựng nút giao này được Tp.HCM thông qua chủ trương đầu tư hồi tháng 4, tổng vốn 3.926 tỷ đồng. Công trình quy mô 3 tầng gồm: hầm chui 2 chiều nối cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây qua tuyến Mai Chí Thọ (phía hầm Thủ Thiêm), kéo dài qua nút giao Mai Chí Thọ – Đồng Văn Cống. Mặt đất xây đảo, tiểu đảo; trên cao làm 2 cầu vượt.
Dự án mở rộng quốc lộ 50, đoạn qua huyện Bình Chánh tổng đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, gồm hơn 687 tỷ đồng từ Trung ương, còn lại từ ngân sách Tp.HCM. Công trình triển khai trên đoạn dài gần 7 km, mở rộng lên 34 m, trong đó chia làm hai đoạn: đoạn một dài hơn 4,3 km xây tuyến đường mới song hành với quốc lộ 50, đoạn còn lại dài hơn 2,5 km mở rộng đường hiện hữu.
Đường nối Trần Quốc Hoàn – Cộng Hoà (quận Tân Bình), đầu tư 4.800 tỷ đồng, dự kiến khởi công quý 2 năm sau. Công trình được thành phố phê duyệt đầu tư hồi đầu tháng 12, để kết nối đồng bộ ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất khi đưa vào khai thác. Tuyến đường nối dài 4 km, làm tuyến chính rộng 25-48 m cho 6 làn xe, vận tốc 50 km/h. Dự án cũng làm hai đoạn đường nhánh kết nối qua tuyến chính; xây một cầu cạn và hai hầm chui tại nút giao Phan Thúc Duyện – Trần Quốc Hoàn và giao lộ Trường Chinh – Tân Kỳ Tân Quý.
Cùng với công trình trên, theo lãnh đạo TCIP, năm 2022 ở cửa ngõ Tân Sơn Nhất sẽ khởi công hai dự án khác gồm mở rộng đường Hoàng Hoa Thám và cải tạo đường Cộng Hòa. Các công trình khi hoàn thành giúp kết nối đồng bộ nhà ga T3 sẽ góp phần giảm ùn tắc cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, hoàn thiện hạ tầng ở quận Tân Bình.
Ngoài các công trình trên, 5 dự án giao thông khác sẽ được chủ đầu tư khởi công năm sau, gồm: mở rộng đường Tân Kỳ – Tân Quý (quận Bình Tân); mở rộng, nâng cấp đường Trần Văn Mười; đường Thị Trấn – Thới Tam Thôn (huyện Hóc Môn); xây cầu Rạch Kinh (huyện Củ Chi); kè chống sạt lở bờ sông khu vực cầu Giồng Ông Tố (Tp.Thủ Đức).