Chỉ số giá tiêu dùng bình quân tháng 10-2021 giảm 0,2%, đưa CPI bình quân 10 tháng về mức tăng 1,8% so với cùng kỳ năm ngoái khiến gần như chắc chắn mục tiêu kiểm soát lạm phát năm 2021 ở mức dưới 4% sẽ đạt được.
Áp lực giá đầu vào
Theo Ban Chỉ đạo điều hành giá, dù lạm phát năm 2021 được bảo đảm an toàn, thậm chí ở mức thấp, song áp lực lạm phát năm 2022 có thể sẽ lớn với hàng loạt yếu tố rủi ro có thể nhận diện được như: khủng hoảng năng lượng; giá nhiều loại nguyên vật liệu tăng ảnh hưởng đến giá nhập khẩu; xu hướng đầu cơ, tích trữ các mặt hàng chiến lược của một số nước đang diễn ra…
Áp lực dễ nhận thấy nhất trong thời điểm này là giá xăng dầu. Ngày 10-11, giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu tăng lần thứ 5 liên tiếp kể từ tháng 9, thiết lập giá xăng dầu trong nước ở mức cao nhất trong 7 năm qua. Bộ Công Thương giải thích giá xăng dầu trong nước biến động mạnh do chịu ảnh hưởng từ giá năng lượng thế giới khi nhu cầu tăng trong bối cảnh các nước chuyển đổi chiến lược ứng phó với dịch Covid-19 theo hướng sống chung với dịch bệnh. Tổng cục Thống kê cũng nhận định giá xăng tăng khiến nhóm giao thông có chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 10 tăng đến 2,51% và làm cho CPI chung tăng 0,24 điểm phần trăm. Nếu giá xăng dầu tiếp tục tăng sẽ tác động không nhỏ tới tình hình lạm phát của Việt Nam thời gian tới.
Theo TS Nguyễn Văn Thuận (Trường Đại học Tài chính – Marketing), trong bối cảnh chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu bị đứt gãy do Covid-19, giá nhiều loại hàng hóa trên thị trường quốc tế ngày càng tăng, nhất là giá nhiên liệu, kim loại…đang nóng lên làm tăng chi phí cho doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi nhập khẩu nguyên liệu sản xuất. Từ đó, giá thành sản phẩm có thể tăng vọt, gây áp lực lên lạm phát trong thời gian tới. Vì thế, việc nhà nước tăng cường kiểm soát và có giải pháp hạn chế đà tăng giá hàng hóa là hết sức quan trọng vì nếu để lạm phát tăng cao, lãi suất tiền gửi sẽ đi lên, kéo lãi suất cho vay tăng theo. Khi đó, DN sẽ rất khó phục hồi sau dịch bệnh vì chi phí vay vốn tăng, ảnh hưởng đến đà tăng trưởng kinh tế.